Nội dung trên được nêu trong dự thảo chính sách đặc thù hỗ trợ học phí cho học sinh THCS công lập và tư thục, năm học 2024-2025, trình HĐND TP Hồ Chí Minh vào sáng 9/12. Cụ thể, theo đề xuất, mỗi học sinh sẽ được hỗ trợ 30.000-60.000 đồng/tháng, tùy địa bàn, tương đương 100% học phí công lập cho hơn 490.000 học sinh THCS.
Riêng học sinh tư thục (trừ trường có vốn đầu tư nước ngoài) cũng được nhận mức tương tự.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Trong đó, nhóm 1 là học sinh các trường học ở TP Thủ Đức và các quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân thu 60.000 đồng/em.
Nhóm 2 là học sinh Nhà Bè, Hóc Môn, Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh thu 30.000 đồng/em.
Dự toán kinh phí thực hiện chính sách này là 237 tỷ đồng. Trong đó, 221 tỷ đồng là hỗ trợ học phí cho học sinh THCS công lập (hơn 464.000 học sinh). Còn lại 16 tỷ đồng hỗ trợ cho học sinh THCS ngoài công lập (hơn 30.000 học sinh).
Trước đó UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã thí điểm hỗ trợ học phí cho học sinh THCS từ năm học 2021 – 2022 đến năm học 2023 – 2024. Trong đó năm 2021 – 2022 hỗ trợ 100% mức học phí công lập.
Năm 2022 – 2023 hỗ trợ một phần chênh lệch do điều chỉnh mức học phí. Năm 2023 – 2024 TP đã hỗ trợ một phần chênh lệch do điều chỉnh mức học phí với mầm non, THPT và hỗ trợ 100% học phí với THCS.
Qua 3 năm học thực hiện chính sách hỗ trợ học phí, UBND TP Hồ Chí Minh nhận thấy chính sách hợp lòng dân, tạo sự an tâm và động lực cho phụ huynh, người dân TP có điều kiện phát triển kinh tế và sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế sau thời gian dài đối phó dịch bệnh Covid – 19 tạo sự an tâm cho học sinh khi đến trường, không phải nghỉ bỏ học vì điều kiện kinh tế không có khả năng đóng học phí.
Được biết, ttrên cả nước đã có 8 địa phương miễn học phí từ bậc mầm non đến hết lớp 12 công lập, bao gồm: Vĩnh Phúc, Khánh Hòa, Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ninh và Yên Bái.
Bên cạnh đó, tỉnh Long An đã giảm 50% cho trẻ mầm non dưới 5 tuổi, miễn học phí cho học sinh THCS.
Theo Tiêu dùng