Nhằm giúp các doanh nghiệp Hiểu và triển khai đánh giá ESG và CBAM, sáng ngày 12/12, tại TP.HCM, TÜV Rheinland Việt Nam phối hợp Crif D&B tổ chức hội thảo “Hiểu và triển khai đánh giá ESG (môi trường, xã hội, quản trị) và CBAM cho các thực hành kinh doanh bền vững”.
Chương trình Hội thảo “Hiểu và triển khai đánh giá ESG (môi trường, xã hội, quản trị) và CBAM cho các thực hành kinh doanh bền vững” diễn ra ngày 12/12 tại TP.HCM
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và suy giảm tài nguyên, doanh nghiệp trên toàn thế giới đang phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn trong việc áp dụng các phương pháp bền vững. Nhiều chính phủ và tổ chức quốc tế đã ban hành các quy định nghiêm ngặt nhằm giảm thiểu phát thải carbon và bảo vệ môi trường. Trong đó, các nguyên tắc về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) cùng với cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) nổi lên như những công cụ quan trọng để giải quyết các tác động môi trường và thúc đẩy trách nhiệm doanh nghiệp.
ESG được viết tắt bởi 3 chữ cái đầu tiên của Environment – môi trường, Social – xã hội và Governance – quản trị doanh nghiệp. Đây là bộ 3 tiêu chuẩn để đo lường những yếu tố liên quan đến định hướng, hoạt động phát triển bền vững của doanh nghiệp. Các tiêu chuẩn ESG giúp doanh nghiệp sắp xếp rõ ràng việc quản lý rủi ro trong các hoạt động của công ty cũng như các cơ hội tạo ra giá trị bền vững. Do vậy, việc áp dụng ESG không chỉ giúp doanh nghiệp tuân thủ các quy định pháp lý mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh, nâng cao uy tín và thu hút đầu tư. Đầu tư vào ESG không chỉ là quyết định chiến lược mà còn là cam kết về trách nhiệm đối với môi trường, xã hội và tương lai phát triển của doanh nghiệp.
ESG là bộ 3 tiêu chuẩn để đo lường những yếu tố liên quan đến định hướng, hoạt động phát triển bền vững của doanh nghiệp
Thực hành ESG và chuẩn hóa các hành động sẽ là 1 phần xu hướng khó thay đổi trong thời gian tới. Trong đó, bên cạnh việc triển khai các hệ thống năng lượng tái tạo – như 1 phần rất quan trọng trong khía cạnh “E” để giảm khí thải nhà kính, thì những giải pháp cụ thể khác cũng sẽ cần được thực hiện, nhằm phát triển bền vững.
Trong khi đó, CBAM (Carbon Border Adjustment Mechanism) là viết tắt của Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon, đây là công cụ chính sách được Liên minh Châu Âu (EU) giới thiệu như một phần của chiến lược khí hậu, đặc biệt trong khuôn khổ Thỏa thuận Xanh Châu Âu
Mục tiêu của CBAM là ngăn chặn rò rỉ carbon để đảm bảo hiệu quả của chính sách khí hậu EU và cạnh tranh công bằng giữa sản phẩm nội địa và nhập khẩu; Bổ sung và củng cố EU ETS (Hệ thống Giao dịch phát thải của Liên minh châu Âu); Góp phần vào quá trình phi carbon hóa trên toàn cầu và đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2050.
Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU là công cụ của EU nhằm định giá công bằng lượng carbon phát thải trong quá trình sản xuất các mặt hàng có hàm lượng carbon cao nhập khẩu vào EU và khuyến khích sản xuất công nghiệp sạch hơn ở các quốc gia ngoài EU.
Bằng cách xác nhận rằng giá đã được trả cho lượng khí thải carbon được tạo ra trong quá trình sản xuất một số hàng hóa nhập khẩu vào EU, CBAM sẽ đảm bảo giá carbon của hàng nhập khẩu tương đương với giá carbon của sản xuất trong nước và các mục tiêu về khí hậu của EU không bị phá hoại. CBAM được thiết kế để tương thích với các quy tắc của WTO.
CBAM là công cụ của EU nhằm định giá công bằng lượng carbon phát thải trong quá trình sản xuất các mặt hàng có hàm lượng carbon cao nhập khẩu vào EU
Việc hiểu rõ và áp dụng ESG và CBAM không chỉ giúp doanh nghiệp đảm bảo tuân thủ quy định mà còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực bao gồm giảm thiểu tác động môi trường, tối ưu hóa quy trình vận hành, giảm chi phí và nâng cao hiệu quả kinh doanh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chú trọng phát triển bền vững sẽ có lợi thế cạnh tranh, nâng cao uy tín thương hiệu và xây dựng lòng tin vững chắc từ khách hàng và các bên liên quan.
Trong khuôn khổ chương trình hội thảo, doanh nghiệp cũng sẽ được giới thiệu, hướng dẫn sử dụng nền tảng Synesgy, một giải pháp công nghệ hỗ trợ các doanh nghiệp và tổ chức cải thiện các thực hành bền vững trong chuỗi cung ứng của mình. Nền tảng này được thiết kế phù hợp cho cả các tập đoàn lớn và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và hiện đã có mặt tại hơn 90 quốc gia. Synesgy cung cấp các tính năng chính như sau:
- Công cụ tự đánh giá: Nền tảng tích hợp bảng câu hỏi tự đánh giá ESG, được tùy chỉnh cho 35 ngành công nghiệp khác nhau, giúp doanh nghiệp đánh giá mức độ bền vững của mình. Đối với SME, Synesgy cung cấp phiên bản bảng câu hỏi đơn giản hóa.
- Giám sát chuỗi cung ứng: Synesgy cho phép doanh nghiệp đánh giá và giám sát tính bền vững của chuỗi cung ứng thông qua việc theo dõi liên tục, các đánh giá định kỳ và bảng tổng hợp chi tiết. Điều này đảm bảo tính minh bạch và giúp các nhà cung cấp tuân thủ các tiêu chuẩn ESG quốc tế.
- Chứng nhận và điểm ESG: Sau khi hoàn thành đánh giá, doanh nghiệp sẽ nhận được điểm ESG và chứng nhận quốc tế được công nhận, có thể đăng tải trên trang website của doanh nghiệp. Chứng nhận này tuân thủ các tiêu chuẩn toàn cầu như SDG, GRI và ESRS, và có giá trị trong vòng một năm.
- Tính toán phát thải CO2: Nền tảng tích hợp công cụ tính toán CO2 giúp doanh nghiệp đo lường và quản lý lượng khí thải nhà kính của mình.
- Kế hoạch hành động tùy chỉnh: Dựa trên kết quả tự đánh giá, Synesgy cung cấp lộ trình hành động tùy chỉnh, giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động bền vững.
Buổi hội thảo mang đến cho doanh nghiệp các thông tin về xu hướng và quy định toàn cầu về quản lý và thực hành phát triển bền vững cũng như cập nhật kiến thức, hiểu rõ cách thức áp dụng các khung tiêu chuẩn này và tạo ra những tác động hiệu quả đối với hành trình phát triển bền vững. Với nền tảng Synesgy, doanh nghiệp có thể tự đánh giá, giám sát chuỗi cung ứng và lập kế hoạch phù hợp cho các hoạt động nhằm đồng thời đạt được các mục tiêu về quảng bá, tiếp cận thị trường song song với phát triển bền vững.
KIM LAN