taichinhthuonghieu11.200

TP.HCM: Chùa Giác Ngộ làm lễ tưởng niệm cầu siêu cố nhạc sĩ Quốc Dũng

Tối ngày 29/9, tại chùa Giác Ngộ, buổi lễ tưởng niệm, cầu siêu cho nhạc sĩ Quốc Dũng diễn ra với sự tham dự của nhạc sĩ Bảo Chấn, Thái Thịnh và các thân hữu của Quốc Dũng. Tham dự và biểu diễn các nhạc khúc của Quốc Dũng có các ca sĩ: Lệ Quyên, Quang Dũng, Lâm Chấn Huy, Quách Tuấn Du, Lê Hiếu, Trương Nam Tuấn, Trường Ân, Trung Tín…

1539341

Chùa Giác Ngộ làm lễ tưởng niệm cầu siêu cố nhạc sĩ Quốc Dũng

Nhạc sĩ Quốc Dũng, tên thật là Nguyễn Anh Dũng, pháp danh Minh Trị, sinh năm 1951 tại Thái Lan, từ trần lúc 09:00 ngày 24/9/2023 (mùng 10 tháng 8 Quý Mão), hưởng thọ: 72 tuổi. Là chồng của danh ca Bảo Yến, nhạc sĩ Quốc Dũng có công Việt hóa nhạc trẻ vào đầu thập niên 1970 và là nhạc sĩ dòng nhạc trẻ nổi tiếng thời đó. Năm 16 tuổi, ông tốt nghiệp thủ khoa môn nhạc pháp Tây phương. Ông học và tốt nghiệp Viện Đại học Vạn Hạnh.

Sáng tác nhạc từ năm 11 tuổi, nhạc sĩ Quốc Dũng được cộng đồng Việt Nam trong nước và hải ngoại quý mến, không chỉ sáng tác nhạc trẻ, mà còn nhạc vàng và các tình khúc vượt thời gian. Trong đời âm nhạc của mình, Quốc Dũng đã hòa âm thành công hơn 5.000 bài nhạc về nhiều thể loại, trong đó, có nhiều bài nhạc Phật giáo gồm Trường ca Kinh Phổ Môn, Trường ca Kinh A-di-đà do thầy Nhật Từ phiên dịch, Võ Tá Hân phổ nhạc. Ông còn biên tập, hòa âm phối khi cho Đài truyền hình TP.HCM, biểu diễn mandolin, guitar và làm diễn viên.

Nhạc sĩ Quốc Dũng là một nghệ sĩ tài hoa khi sáng tác rất nhiều thể loại âm nhạc. Ông viết bản nhạc đầu tiên khi mới 11 tuổi, đó là một nhạc phẩm không lời. Đến năm 17 tuổi, ông mới hoàn chỉnh bản nhạc đó thành ca khúc đầu tay Em đã thấy mùa xuân chưa. Sau đó ông viết nhiều ca khúc nổi tiếng khác như: Mai, Đường xưa, Cơn gió thoảng, Chuyện ba người, Còn mãi nơi đây, Bài ca Tết cho em, Điệp khúc mùa Xuân, Thoát ly, Hoang vắng, Chuyện hợp tan, Ngại ngùng, Ru tôi giấc mộng, Trái tim tội lỗi, Cho em ngày nắng xanh…

Phát biểu tại lễ tưởng niệm, TT. Thích Nhật Từ đánh giá cao những cống hiến của cố Nhạc sĩ Quốc Dũng đối với nền âm nhạc Việt Nam. Thượng toạ cũng cho rằng sự ra đi của cố Nhạc sĩ để lại khoảng trống lớn lao mà khó có thể khoả lấp. Nhân đây, Thượng toạ Trụ trì gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình cố nhạc sĩ và cộng đồng người yêu âm nhạc Việt Nam.

shsl0gc TT. Thích Nhật Từ đánh giá cao những cống hiến của cố Nhạc sĩ Quốc Dũng đối với nền âm nhạc Việt Nam

Nhạc sĩ Nguyễn Hà bày tỏ, giữa những năm 80, khắp các con đường đến hẻm nhỏ Sài Gòn luôn vang những câu hát “Tết nay em không thèm may áo mới”; “hãy hát đi em ru mây hạ về”… với những âm sắc nhạc cụ điện tử mới lạ. Đó là lần đầu tiên anh nghe đến danh nhạc sĩ Quốc Dũng. Người ta nghe thấy hay và lan truyền băng cassette do nhạc sĩ Quốc Dũng hòa âm và thu âm tại nhà riêng. Phát hành qua kênh phân phối là các xe kẹo kéo.

Lệ Quyên cho biết cô tiếc nuối vì chưa một lần gặp nhạc sĩ Quốc Dũng ngoài đời. Nhưng với cô, sự gắn kết giữa người nhạc sĩ và ca sĩ chính là âm nhạc. “Tôi hạnh phúc khi thời gian gần đây thể hiện ca khúc Đường xưa trong dự án cover lại 5 ca khúc tôi yêu thích nhất. Dù hôm nay đến đưa tiễn nhạc sĩ nhưng tôi cảm nhận nhạc sĩ ở đâu đó rất gần với chúng ta với sự yêu thương của khán giả dành cho cố nhạc sĩ”. Sau khi kết thúc bài hát, Lệ Quyên xin lỗi cố nhạc sĩ và khán giả vì quá xúc động nên hát không đúng trình tự lời của ca khúc.

Trước khi mất, nhạc sĩ Quốc Dũng đã nghỉ sáng tác khoảng 9 năm. Sau nhiều sóng gió, cuộc sống cuối đời của ông với Bảo Yến vẫn êm đềm, hạnh phúc. Hai con trai đều nối nghiệp cha mẹ đi làm nhạc.

Kim Lan

img2300x243img1300x250
BÀI VIẾT MỚI CẬP NHẬT
Kết nối với chúng tôi

Taichinhthuonghieu.com

Cập nhật thông tin về tài chính thương hiệu.

Ghi rõ nguồn :Taichinhthuonghieu.com khi phát hành lại thông tin từ website này

 


.