Thực tiễn luôn là nơi cuối cùng kiểm chứng cho những lý luận đặt ra. Thực tiễn cơn bão Yagi lại một lần nữa khẳng định mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân ta trong quá trình tái thiết, xây dựng đất nước, và cho thấy một trong những mục tiêu của Đảng trong Nghị quyết đại hội thứ XIII là “nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa” đã đi đúng hướng và mang lại những hiệu quả tích cực.
Trưa ngày 07/09/2024, cơn bão số 3 mang tên quốc tế Yagi đã đổ bộ vào đất liền với sức tàn phá khủng khiếp và để lại hậu quả vô cùng nặng nề cho các tỉnh miền Bắc Việt Nam. Yagi được đánh giá là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua trên biển Đông, và là cơn bão mạnh nhất đi vào Việt Nam trong suốt 70 năm qua. Sau hơn 12h bão di chuyển vào Việt Nam và hoàn lưu sau bão đã gây thiệt hại ước tính lên đến hơn 2 tỷ USD (tương đương khoảng 61.000 tỷ đồng) cho kinh tế Việt Nam. Và hơn hết, nó để lại những mất mát tinh thần không thể đo đếm được cho những gia đình đã không còn “trọn vẹn” sau bão, khi những người thân trong gia đình chết hoặc mất tích do lũ cuốn trôi; những trẻ em bỗng dưng rơi vào cảnh mồ côi khi toàn bộ ông bà, ba mẹ, anh chị em, người thân trong gia đình đều đã ra đi do đất đá sạt lở vùi lấp. Tình cảnh thương tâm thật khó diễn tả bằng lời!
"Trong những lúc khó khăn, những lúc gian nan, những lúc thử thách thì ai cũng cần một điểm tựa". Những đứa trẻ cần “điểm tựa”, những gia đình cần “điểm tựa”, nhân dân cần “điểm tựa”, đất nước cần “điểm tựa”. Tối ngày 15/09/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự chương trình truyền hình trực tiếp "Điểm tựa Việt Nam" do Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện. Trong chương trình, Thủ tướng đã nói đến “6 điểm tựa Việt Nam” (1) thực sự đã để lại ấn tượng rất lớn và gây xúc động mạnh mẽ trong lòng đồng bào, đồng chí cả nước. Xin được nhắc lại 6 điểm tựa này trong bài phát biểu của Thủ tướng:
Thứ nhất là điểm tựa về tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết trong Đảng, đoàn kết trong nhân dân, đoàn kết trong nước, đoàn kết quốc tế, "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công" như Bác Hồ đã nói.
Điểm tựa thứ hai là chúng ta có Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh lãnh đạo. Gần 95 năm qua, Đảng không có mục tiêu nào khác ngoài mục tiêu mang lại độc lập, tự do cho dân tộc và cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Điểm tựa thứ ba là truyền thống lịch sử - văn hóa hào hùng, văn minh, văn hiến của dân tộc, tinh thần tương thân, tương ái, "thương người như thể thương thân", "lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá rách hơn", "bầu ơi thương lấy bí cùng…".
Điểm tựa thứ tư là nhân dân. Nhân dân làm nên lịch sử, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, "dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong".
Điểm tựa thứ năm là quân đội, công an. "Lúc cần, lúc khó có quân đội, công an"; "Quân đội ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu"; "Công an ta, vì nước quên thân, vì dân phục vụ".
Điểm tựa thứ sáu là tinh thần tự lực, tự cường của dân tộc ta, của mỗi người khi khó khăn, thách thức, càng áp lực lại càng nỗ lực, phấn đấu vươn lên, vượt qua giới hạn của bản thân, với tinh thần "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành có thể".
Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ về 6 điểm tựa góp phần khắc phục hậu quả siêu bảo số 3- Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Trong 6 điểm tựa mà Thủ tướng đã đ úc kết, có đến 3 điểm tựa liên quan đến mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân. Trong Nghị quyết lần thứ XIII, quan điểm chỉ đạo của Đảng cũng chỉ rõ việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; xây dựng đội ngũ cán bộ đảng viên, cán bộ gắn bó với nhân dân là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định sự nghiệp xây dựng đất nước, bảo vệ tổ quốc. Thật vậy, câu chuyện về mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân một lần nữa lại nổi rõ lên trong cơn bão Yagi. Đó là bằng chứng thực nghiệm sống động cho thấy “Đảng với dân như cá với nước”, là nguyên lý quán xuyến trong mọi hoạt động của Đảng và quyết định sự sống còn của Đảng. Đó cũng là câu chuyện minh chứng thuyết phục để chống lại những luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ mối đại đoàn kết của Đảng và nhân dân ta.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân
Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn nhất quán trong tư tưởng của mình về mối quan hệ biện chứng giữa Đảng và nhân dân. Là người đã bôn ba 30 năm ở nước ngoài tìm kiếm lý tưởng cách mạng, cũng là người đã trực tiếp sáng lập nên Đảng cộng sản Việt Nam, hơn ai hết, Hồ Chí Minh hiểu rõ sợi dây liên kết tự nhiên khắng khít và không thể tách rời này. Tư tưởng đó được kết tinh từ sự kế thừa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại, mà đỉnh cao là Chủ nghĩa Mac- Lê Nin. Đó là mối quan hệ được hình thành và phát triển gắn với tiến trình cách mạng của dân tộc ta.
Người cho rằng Đảng vừa là người lãnh đạo vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân. nhân dân có nhiều tầng lớp địa vị xã hội khác nhau, trình độ nhận thức khác nhau, do vậy không nhất luận với nhau. Đảng ra đời là để thống nhất ý chí, nguyện vọng và hành động cách mạng của các tầng lớp nhân dân. Với vai trò là người lãnh đạo, Đảng phải đề có tinh thần nêu gương, đề ra được chủ trương, đường lối đúng đắn; xây dựng được đội ngũ cán bộ, đảng viên vừa có đức, vừa có tài. Với vai trò là người “đầy tớ” trung thành, Đảng phải tận tâm, tân lực phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước. Đảng ta không có lợi ích nào khác, ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, rằng Đảng chỉ mưu cầu giải phóng cho dân, nên mọi việc đều vì lợi ích của dân mà làm và chịu trách nhiệm trước dân. Đảng làm tròn được trách nhiệm của người lãnh đạo và người đầy tớ mới có chỗ đứng trong lòng nhân dân, mới được nhân dân tin yêu và ủng hộ.
Ngược lại, Hồ Chí Minh chỉ ra nhân dân là gốc của nước, là lực lượng cơ bản và là động lực của mọi cuộc cách mạng. Người thường xuyên nhắc nhở cán bộ, đảng viên: “Có lực lượng dân chúng, việc to tát mấy, khó khăn mấy cũng làm được. Không có, thì việc gì làm cũng không xong” (2). Vì vậy, trong quan niệm của người luôn lấy dân làm gốc. Một khi có sự nhất quán và bảo vệ của nhân dân, thì Đảng mới tồn tại và phát triển. Đó chính là tư tưởng tổng quát, quyết định mọi lý tưởng và hành động của Đảng, mang giá trị nhân sinh đúng đắn và cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà thực tiễn cho đến hôm nay đã chứng minh rõ điều đó.
Nhân dân có Đảng
Quay ngược lịch sử trong bối cảnh đất nước ta đang khủng hoảng về con đường giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức bóc lột hà khắc của đế quốc thực dân đầu thế kỷ XX, sự ra đời của Đảng cộng sản Việt Nam từ năm 1930 là bước ngoặt vĩ đại, có vai trò dẫn đường và lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi tới thắng lợi cách mạng tháng 08/1945, giành lại chủ quyền độc lập của nhân dân Việt Nam, khai sinh ra Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh “Gần 95 năm qua, Đảng không có mục tiêu nào khác ngoài mục tiêu mang lại độc lập, tự do cho dân tộc và cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân”, Đảng ta đã theo đuổi một mục tiêu nhất quán, xuyên suốt trong suốt chặng đường hoạt động của mình, và nhất định cũng sẽ là mục tiêu trong tương lai, để xây dựng thành công hình thái xã hội phát triển nhất của loài người - xã hội chủ nghĩa - một xã hội, công bằng, dân chủ cho toàn nhân dân.
Thực nghiệm từ cơn siêu bão Yagi, Đảng đã cho thấy vai trò trách nhiệm trước, trong và sau bão, luôn bên cạnh nhân dân, hành động vì nhân dân. Cụ thể, trước khi bão đang hình thành tại biển Đông và được dự đoán là cơn bão rất mạnh sẽ đổ bộ vào Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện khẩn số 86/CĐ-TTg ngày 3/9; tiếp theo đó là Công điện số 87/CĐ-TTg ngày 5/9 và số 88/CĐ-TTg ngày 6/9; Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo các cơ quan, địa phương tập trung ứng phó với bão từ sớm, từ xa, với tinh thần chủ động, quyết liệt, phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất để hạn chế thiệt hại. Thủ tướng đã phân công Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp đi kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo triển khai công tác ứng phó; quyết định lập Ban Chỉ huy tiền phương đóng tại Quân khu 3 (thành phố Hải Phòng) để trực tiếp phối hợp với các địa phương ứng phó khi bão đổ bộ vào đất liền. Chính phủ cũng phân công các bộ, ngành địa phương tổ chức các đoàn kiếm tra, vào cuộc quyết liệt và cảnh giác cao độ trước cơn siêu bão, chuẩn bị mọi công tác ứng phó để giảm thiểu tối đa thiệt hại có thể gây ra của thiên tai. Ngay sau khi cơn bão chưa dứt, các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước đã trực tiếp có mặt tại các điểm thiệt hại nặng để kịp thời chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả; thăm hỏi, động viên, chia sẻ mất mát với nhân dân vùng “rốn lũ”. Chiều ngày 12/09, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trực tiếp kiểm tra công tác củng cố, khắc phục sự cố một số điểm xung yếu ở đê sông Lô, xã Trường Sinh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã có mặt tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai - nơi sạt lở vùi lấp 37 hộ, khiến 95 người chết và mất tích để thị sát, chỉ đạo công tác ứng cứu, tìm kiếm cứu nạn những người mất tích, bị thương, và chia sẻ nổi đau cùng bà con làng Nủ.
Cùng túc trực với nhân dân trong lúc khốn khó, hẳn chúng ta cũng sẽ không thể nào quên những hình ảnh rất đỗi xúc động của các cán bộ, lực lượng quân đội, công an đã không ngại hiểm nguy, tính mạng của mình, thức đêm làm ngày để ứng cứu đồng bào, tìm kiếm các nạn nhân mất tích trong khi cơn bão còn chưa dứt. Chúng ta không thể quên câu chuyện của binh nhì Thào Mí Lình - chiến sĩ Trung đoàn 98 thuộc Sư đoàn Bộ binh 316 - trong khi cùng đồng đội giúp bà con thôn Làng Nủ kiếm tìm người thân sau trận lũ kinh hoàng, đồng chí bị đinh nhọn cắm sâu vào lòng bàn chân. Khi được chuyển đi bệnh viện, Thào Mí Lình đã bật khóc vì không ở lại được để giúp bà con Làng Nủ. Chúng ta không thể quên sự hy sinh của thượng úy Nguyễn Đình Khiêm (đại đội trưởng Đại đội 3, Lữ đoàn 513, trú tại tỉnh Ninh Bình) đã liều mình cứu đồng đội khỏi nguy hiểm, thế nhưng không may anh đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Mới đây nhất, chúng ta lại ngẹn ngào khi chứng kiến cảnh gần 400 chiến sỹ, cán bộ bịn rịn chia tay làng Nủ sau 14 ngày ăn, ở, chia sẻ những mất mát, đau thương cùng bà con. “Giây phút chia tay không cờ, hoa, chỉ có những gói xôi, chiếc bánh được bà con chuẩn bị vội vàng cho cán bộ, chiến sĩ trước giờ lên đường. Lá cờ đỏ sao vàng tại Nhà văn hóa thôn Làng Nủ được trao cho đơn vị sẽ là kỷ vật thiêng liêng, minh chứng cho tình quân dân sâu đậm trong những ngày đau thương nhất” (3) .Những câu chuyện cảm động ấy tưởng như chỉ có trong thời chiến, nhưng nay lại hiện hiển trong thời bình, đã là những minh chứng sinh động nhất, trực quan nhất về tình quân dân sâu sắc, “đi dân nhớ, ở dân thương”, là bản chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, của người chiến sỹ nhân dân “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Những phẩm chất ấy có được là nhờ truyền thống và lý tưởng hết lòng phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân mà Đảng ta đã quán triệt và nêu cao trong suốt quá trình lãnh đạo của mình.
Giây phút chia tay đầy xúc động của các chiến sỹ với người dân Làng Nủ, Lào Cai – Ảnh: TTXVN
Một khoảnh khắc nữa khiến nhiều người không cầm được nước mắt, đó là hình ảnh trong chương trình “Điểm tựa Việt Nam”, khi Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà và bế em Nguyễn Quốc Bảo (sinh năm 2016) bị mất cả bố và em gái khi 3 người bị nước lũ cuốn trôi trong lúc di chuyển bằng xe máy qua cầu tràn thôn Cầu Treo (xã Yên Thuận, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang). Thủ tướng cũng đã không giấu được sự đau lòng của mình khi chứng kiến hoàn cảnh quá đáng thương của em. Nhưng trong sự cùng tận của nổi đau, may mắn thay vẫn có một điểm sáng dành cho phần còn lại của cuộc đời em. Đó là cánh tay chở che của đồng bào, sự sẻ chia và hỗ trợ kịp thời của Tổ quốc, của Đảng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính động viên cháu Nguyễn Quốc Bảo bị mất cả bố và chị gái do lũ cuốn trôi trong lúc di chuyển bằng xe máy qua Cầu Treo, Tuyên Quang. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Những mất mát còn lại sau bão lũ Yagi là vô cùng và không thể đong đếm được, nhưng hành động vào việc quyết liệt của Đảng đối với sự an nguy của nhân dân; sự thấu cảm, “đồng cam cộng khổ” với khó nhọc của nhân dân, chính là nguồn an ủi và động viên cả về vật chất lẫn tinh thần, là “điểm tựa” vững chắc của nhân dân trong những lúc khốn khó nhất. Điều đó càng chứng minh sự thật: Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền “là đạo đức, là văn minh”; con đường tiến lên xã hội chủ nghĩa ở nước ta là đúng đắn, là tất yếu, phù hợp với hoàn cảnh đất nước, lịch sử con người và xã hội Việt Nam.
Đảng có nhân dân
Lịch sử của đất nước ta – lịch sử hào hùng của 30 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, với thắng lợi cuối cùng thật vẻ vang về cho dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đỉnh cao của 2 cuộc kháng chiến ấy là nghệ thuật chiến tranh nhân dân, kháng chiến toàn dân. Khi ấy, ở tiền tuyến, hàng triệu thanh niên – những người con của đất nước mang màu xanh áo lính lên đường ra chiến trận tiêu diệt quân thù. Ở hậu phương, những người nông dân tăng gia sản xuất gửi thóc gạo, lương thực ra chiến trường, những chị em gái may áo ấm gửi cho người chiến sỹ. Mặc dù có muôn vàn hiểm nguy, mặc dù bom rơi đạn lạc, đồng bào ta vẫn không màng đến sự sống và cái chết, che chở và bảo bọc chiến sỹ dưới sự càn quét khốc liệt và tàn ác của quân thù. Những bà mẹ Việt Nam anh hùng “ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ”, dành cho Tổ quốc cả chồng và hết thảy những đứa con. Những phong trào như “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, phong trào “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, phong trào “Thanh niên ba sẵn sàng” và “Phụ nữ ba đảm đang”, phong trào “Tuần lễ vàng” kêu gọi sự ủng hộ của tầng lớp thương nhân cho ngân khố quốc gia, phong trào “hũ gạo cứu đói”,…không thể thành công nếu không có sự hăng hái, ủng hộ tuyệt đối của nhân dân. Những điều tưởng chừng bình dị đó, lại tạo nên những sức mạnh phi thường, có thể khiến mọi kẻ thù với những vũ khí tối tân nhất cũng phải khiếp sợ và khuất phục.
Và trong thời bình, tinh thần ấy dường như không lụi tắt, mà chỉ cần một chất xúc tác, nó có thể bùng lên mạnh mẽ đến kinh ngạc. Những người nước ngoài khi đến Việt Nam phải thốt lên rằng: họ chưa thấy dân tộc nào trên thế giới yêu quốc kỳ của đất nước – lá cờ đỏ sao vàng – nhiều như dân tộc Việt Nam. Một hiện tượng rất quen thuộc nhưng thể hiện lòng yêu nước, yêu Tổ quốc vô vàn của nhân dân ta. Với cơn bão Yagi, ngay sau khi cơn bão đi qua, tin tức về những tổn thất và mất mát của người dân miền Bắc đã khiến hàng triệu trái tim người dân Việt Nam thổn thức. Giữa giông bão, tình người Việt Nam lại chan chứa và ấm áp biết nhường nào, khi tất cả đều hướng về miền Bắc ruột thịt. Có những gia đình, hội tình nguyện viên cùng nhau thức trắng đêm nấu cơm, luộc trứng, gói bánh chưng và đóng gói gửi ra miền Bắc; có những chủ khách sạn, hộ gia đình đăng tin cho người dân ở miễn phí tránh bão, mua thực phẩm xăng xe cho ai có nhu cầu; có người thầy giáo góp hết số tiền dưỡng già để gửi cho đồng bào vùng lũ; có những chuyến xe “0 đồng” từ Tây Nguyên, từ miền Nam Trung Bộ chở đầy ấp yêu thương tức tốc lên đường sau bão,…Hàng trăm tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước ngay lập tức chủ động liên hệ ủng hộ tiền mặt, hiện vật cho đồng bào thông qua Chính phủ. Cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan ban ngành, các doanh nghiệp nhà nước, Ngân hàng ủng hộ ít nhất mỗi người một ngày lương để hỗ trợ đồng bào,..
Chiều ngày 10/09/2024, sau khi Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam vận động ủng hộ đồng bào khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra, số tiền quyên góp của nhân dân cả nước chuyển vào tài khoản của MTTQ Việt Nam đã không ngừng tăng lên . Chỉ sau vài ngày vận động, tính đến ngày 25/09/2024, tổng số tiền quyên góp vào Ban cứu trợ Việt Nam đã lên đên hơn 1.700 tỷ đồng. Đặc biệt sau khi MTTQ Việt Nam công khai sao kê các khoản đóng góp dài hàng ngàn trang giấy lên mạng xã hội, rất nhiều người dân, mà hầu hết những bạn trẻ đã để lại những bình luận bày tỏ niềm tin sâu sắc khi giao tiền ủng hộ của mình cho Đảng, cho Chính phủ để chuyển tới tay người dân; đồng thời chia sẻ, lan tỏa và kêu gọi mọi người cùng ủng hộ vào tài khoản của MTTQ Việt Nam, hay các tổ chức cứu trợ của Chính phủ.
Sức mạnh của nhân dân – một sức mạnh không phải có được bất chợt trong một sớm một chiều, mà đã được hun đúc từ ngàn đời này, và hiếm có dân tộc trên thế giới nào có được. Điều đó là động lực và “điểm tựa” sức mạnh to lớn cho Đảng. Chỉ cần toàn dân cùng đoàn kết, chung sức đồng lòng, và đặt niềm tin tưởng tuyệt đối vào Đảng, thì khó khăn nào cũng nhất định vượt qua.
Củng cố mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân- bài học rút ra sau bão Yagi
Thực tiễn luôn là nơi cuối cùng kiểm chứng cho những lý luận đặt ra. Thực tiễn cơn bão Yagi lại một lần nữa khẳng định mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân ta trong quá trình tái thiết, xây dựng đất nước, và cho thấy một trong những mục tiêu của Đảng trong Nghị quyết đại hội thứ XIII là “nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa” (4) đã đi đúng hướng và mang lại những hiệu quả tích cực. Theo đó, chúng ta có thể rút ra một số bài học và triết lý hoạt động để tiếp tục theo đuổi đúng định hướng đã đề ra. Đó là:
Thứ nhất, Đảng dựa vào dân, dân tin Đảng là một trong những nhân tố bảo đảm sự đúng đắn của đường lối và là tiền đề của mọi sức mạnh nội sinh. Trong điều kiện đảng cầm quyền, cán bộ, đảng viên phải thật sự gương mẫu, đoàn kết với nhân dân, hết lòng phụng sự nhân dân. Đảng phải có trách nhiệm chăm lo mọi mặt đời sống cho nhân dân. Dân không có gạo đủ no, không có vải mặc đủ ấm, không có trường học cho các cháu, Đảng phải lo. Để dân đói, dân rét, dân ốm, dân dốt, Đảng và Chính phủ đều có lỗi.
Thứ hai, công tác minh bạch tài chính của Chính phủ, Nhà nước cần được đẩy mạnh hơn nữa nhằm tăng cường sự tin tưởng của nhân dân. Mọi khoản thu, chi cần được tích cực làm rõ để nhân dân cùng biết, cùng kiểm tra.Việc minh bạch tài chính góp phần ngăn chặn hành vi tham nhũng, vụ lợi, chiếm đoạt tài sản công, cải thiện chỉ số “tính minh bạch và tiếp cận thông tin”, giúp chặn đứng những thông tin xuyên tạc, sai sự thật của các thế lực thù địch, và lấy lại được sự tín nhiệm của nhân dân. Chỉ cần nhân dân tin tưởng thì sức mạnh của Đảng sẽ được tăng cường, củng cố.
Thứ ba, bão lũ, thiên tai là thử thách về thiên nhiên khó tránh khỏi, nhưng cũng là cơ hội để chúng ta chứng minh giá trị của tinh thần đoàn kết, tinh thần dân tộc, lòng nhân ái và bao dung “thương người như thể thương thân”. Đó cũng là một trong những giá trị tinh thần cốt lõi của dân tộc Việt Nam, cần tiếp tục được phát huy và gìn giữ bằng giáo dục, bằng cách mạng văn hóa. Bên cạnh sức mạnh về kinh tế, khả năng ứng phó thiên tai, thì sức mạnh về tinh thần, về giá trị văn hóa cũng là một mặt trận cần được chú trọng để tạo nên bản sắc riêng cho con người Việt Nam.
Tham khảo:
Tác giả: Lê Trần Diễm - Đảng viên Chi bộ 1- Đảng bộ Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam- CN Nam Sài Gòn.
Taichinhthuonghieu.com
Cập nhật thông tin về tài chính thương hiệu.
Ghi rõ nguồn :Taichinhthuonghieu.com khi phát hành lại thông tin từ website này
.