Sáng ngày 14/11, tại Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh (Số 28 Lê Quý Đôn, phường Võ Thị Sáu, quận 3), Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh phối hợp cùng Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học cấp Quốc gia chủ đề: “Phát huy các nguồn lực văn hóa để xây dựng và phát triển “Thành phố sáng tạo” của Thành phố Hồ Chí Minh”.
Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO ra đời năm 2004 nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các thành phố coi sáng tạo là động lực, yếu tố chiến lược cho sự phát triển bền vững. UNESCO xét yếu tố sáng tạo của các thành phố trên các lĩnh vực: Thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian, nghệ thuật truyền thông, điện ảnh, thiết kế, ẩm thực, văn học và âm nhạc.
Khi tham gia mạng lưới này, các thành phố cam kết chia sẻ những thực hành tốt nhất, đổi mới sáng tạo và xây dựng ý thức gắn liền với trách nhiệm, tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, phát triển hợp tác với khu vực công và tư cũng như các tổ chức xã hội - nghề nghiệp nhằm tăng cường sáng tạo, sản xuất, phân phối và truyền bá về các hoạt động, hàng hóa và dịch vụ văn hóa; phát triển các không gian sáng tạo và đổi mới, mở rộng cơ hội cho những người sáng tạo và chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa; nâng cao việc tiếp cận và tham gia vào đời sống văn hóa, đặc biệt đối với các nhóm và cá nhân yếu thế và dễ bị tổn thương; lồng ghép văn hóa và sáng tạo vào các kế hoạch phát triển bền vững.
Hội thảo khoa học cấp Quốc gia chủ đề “Phát huy các nguồn lực văn hóa để xây dựng và phát triển “Thành phố sáng tạo” của Thành phố Hồ Chí Minh” sáng 14/11.
Tại Việt Nam, năm 2019 UNESCO đã công nhận Hà Nội là thành phố sáng tạo trên lĩnh vực “Thiết kế” và mới đây (tháng 10/2023), UNESCO công nhận Hội An là thành phố sáng tạo trên lĩnh vực “Thủ công & nghệ thuật dân gian” và Đà Lạt là thành phố sáng tạo trên lĩnh vực “Âm nhạc”. Ngày 16/4/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Kế hoạch xây dựng Đề án phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo nằm trong hệ thống thành phố sáng tạo của UNESCO. Theo kế hoạch này, TP. Hồ Chí Minh là một trong những địa phương tiếp theo, cùng với thành phố Huế, Đà Nẵng, Hạ Long, Vũng Tàu,… có tiềm năng phát huy sáng tạo để phát triển bền vững và có khả năng tham gia vào mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO.
Nội dung Hội thảo khoa học cấp Quốc gia chủ đề “Phát huy các nguồn lực văn hóa để xây dựng và phát triển “Thành phố sáng tạo” của Thành phố Hồ Chí Minh” xoay quanh 3 vấn đề chính gồm: Thành phố sáng tạo và lĩnh vực sáng tạo; TP. Hồ Chí Minh có lợi thế, tiềm năng, nguồn lực trong lĩnh vực sáng tạo nào và Những giải pháp để TP. Hồ Chí Minh phát huy lợi thế, tiềm năng, nguồn lực nhằm xây dựng và phát triển “Thành phố sáng tạo” có hiệu quả trong thời gian tới.
Hội thảo khoa học cấp Quốc gia chủ đề “Phát huy các nguồn lực văn hóa để xây dựng và phát triển “Thành phố sáng tạo” của Thành phố Hồ Chí Minh” đã nhận được 33 bài tham luận của các cơ quan, các nhà quản lý, nhà khoa học, giảng viên từ các cơ quan nghiên cứu; các trường đại học và nhiều ý kiến đóng góp trực tiếp tại hội thảo rất có giá trị. Đây là cơ sở để Ban Tổ chức nhìn nhận vấn đề, đánh giá tiềm năng và khả năng phát triển của các nguồn lực văn hóa cho sự phát triển của TP. Hồ Chí Minh trong tương lai khi tham gia vào mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.
Kim Lan
Taichinhthuonghieu.com
Cập nhật thông tin về tài chính thương hiệu.
Ghi rõ nguồn :Taichinhthuonghieu.com khi phát hành lại thông tin từ website này
.