L.T.S Đóng góp cho quan hệ giao thương mạnh mẽ của Việt Nam- Mỹ, mối quan hệ vừa được nâng tầm Đối tác Chiến lược toàn diện vào năm 2023, Phúc Sinh Group đã có 22 năm cung cấp nông sản Việt vào Mỹ. Từ góc nhìn của một CEO và là tác giả có 2 đầu sách xuất bản, trong đó 1 tác phẩm được NXB Novum (London) dịch và giới thiệu tại 14 quốc gia, Chủ tịch Phúc Sinh Group – Phan Minh Thông – dành riêng bài viết độc quyền về nước Mỹ cho Diễn đàn Doanh nghiệp.

Đại dịch đóng băng mọi chuyến công tác nước ngoài của chúng tôi suốt 3 năm, vì vậy ngay sau khi dịch bệnh lắng xuống, chúng tôi lập tức lên kế hoạch đi thăm khách hàng và thị trường. Chuyến đi đầu tiên trong năm 2023 của chúng tôi là đến Mỹ.

Chúng tôi chọn Mỹ là đích đến đầu tiên vì đây là một thị trường lớn và quan trọng của công ty. Trước đây, khi chưa có Covid-19 thì năm nào chúng tôi cũng có vài ba chuyến đến Mỹ; ngược lại cũng có rất nhiều công ty là khách hàng của chúng tôi hàng năm đều đến thăm Việt Nam, xem tình hình mùa màng, kinh doanh.

Công nghệ và người vô gia cư sau đại dịch

Khi dịch bệnh xảy ra, mọi chuyến đi hai chiều đều ngưng lại. Chúng tôi chủ yếu liên lạc qua email, Skype, WhatsApp…. Cho nên khi đi lại được, cả đoàn chúng tôi rất háo hức.

Ông Phan Minh Thông tại Hội chợ cà phê đặc sản SCAE tại Athens

Một điều rất bất ngờ là mặc dù công nghệ gần như bùng nổ đỉnh điểm bởi sự thuận tiện trong đại dịch, thì ngay khi nhập cảnh vào Mỹ, tôi thấy thay cho những năm trước hải quan Mỹ thường dùng máy tự động, năm nay họ lại dùng rất nhiều nhân viên. Cùng với đó, những người xung quanh tôi đều bị hỏi khá nhiều, khá mất thời gian. Có vẻ như việc nhập cảnh vào Mỹ ngày càng chặt chẽ.

Sau khi xếp hàng chờ 30 phút, tôi cũng được thông qua nhập cảnh. Và như lần trước, chúng tôi bắt xe taxi công nghệ để về khách sạn. Ở Mỹ, các sân bay đều một khu vực riêng cho hành khách đặt xe công nghệ và bạn phải tìm ra chỗ đó. Nếu bạn biết sử dụng công nghệ, sẽ rất thuận lợi cho việc đi lại, mua sắm và ăn uống khắp xứ cờ hoa.

Ông Phan Minh Thông cùng các đối tác cupping cà phê

Sau khi về khách sạn, chúng tôi theo kế hoạch đã thu xếp từ trước, bắt đầu thăm khách hàng và tìm hiểu thị trường. Tôi thường đến New York và bay 1 tour bờ Đông Mỹ đến Trung Mỹ, rồi sau đó đến Miền Tây; tuy nhiên đợt này chúng tôi đến bờ Tây Mỹ trước. Vietnam Airlines có chuyến bay thẳng từ Hồ Chí Minh đến San Fransico và sau đó chúng tôi nối chuyến đến Los Angeles. Chúng tôi thuê xe Tesla để đi lại. Phải nói ai trong chúng tôi cũng thích Tesla vì tính năng tăng tốc rất nhanh, phải nói là mê ly. Nhưng cũng rất kỳ lạ là nếu bảo mua 1 chiếc Tesla, tôi lại thấy mọi người ở Mỹ khá cân nhắc. Con người thường hay mâu thuẫn, xung đột với chính bản thân mình. Anh vừa thích tự động, thích thiết bị thân thiện môi trường không phải trả tiền xăng, nhưng bảo mua thì anh rất lưỡng lự. Có vẻ những thứ truyền thống vẫn gắn kết với anh và anh vẫn quyết định mua xe truyền thống.

Hơn 3 năm không gặp, tôi hay khách hàng đều không thể đi công tác hay du lịch vì dịch, rất mừng là sau đại dịch, mọi thứ trở lại khá bình thường. Nhưng có một vấn đề nổi cộm  là các công ty, nhà máy đều thiếu người làm. “Không hiểu con người đi đâu mất ấy” là câu nói mà nhiều nhà tuyển dụng, quản lý thốt lên lúc này.

Bên cạnh đó, việc làm từ xa rất phổ biến ở Mỹ sau đại dịch. Các công ty tôi gặp đều làm ở văn phòng 2 đến 3 ngày trên tuần, ngày còn lại mọi người làm việc từ xa. Nhu cầu hàng hóa dịch vụ giảm rõ rệt. Doanh thu bán lẻ đều giảm ở mọi mặt hang tiêu dùng chủ lực lẫn xa xỉ và nhiều khi đến các trung tâm mua bán, bạn có cảm giác rất vắng người, hoặc nhiều khi người bán nhiều hơn người mua. Đại dịch cũng thúc đẩy người ta dùng công nghệ Al hơn rất nhiều, khi đi siêu thị cuối ngày tôi nhận thấy thay vì hàng chục người tính tiền thì bây giờ là máy tính tiền và chỉ có duy nhất 1 người trực xem máy móc có gì trục trặc hay có ai cần hướng dẫn. Khi bạn mang hang ra tính tiền, bạn tự scan với máy, bạn tự quẹt thẻ và tự cho đồ vào túi xách. Có những siêu thị chúng tôi đi chỉ thấy vài người xếp đồ lên kệ để lấp chỗ hàng trống, còn lại chỉ có khách, máy tính tiền và camera mà thôi.

Ở Los Angeles – thành phố xa hoa cũng như giá nhà cao, chí phí rất đắt, tôi lại gặp vô vàn người vô gia cư. Một nghịch lý là có biết bao người nhập cư đến Mỹ để xây dựng tương lai thì cũng biết bao nhiêu người Mỹ mất việc, không muốn đi làm hay không trả được các hóa đơn thanh toán và phải ra đường, trở thành người vô gia cư.

Bạn sẽ không tin là Los Angeles lại nhiều người vô gia cư đến vậy. Đến nay, thành phố này cũng đang loay hoay để giảm lượng người vô gia cư của mình.

Vào các trung tâm mua sắm quần áo, chúng tôi thấy nếu trước đây một shop có vài người chăm sóc thì nay vài 3 shop hay 1 shop rộng mênh mông chỉ có 1 người, bạn chọn quần áo, tự vào phòng thử và tự ra tính tiền. Máy móc gần như xử lý mọi thứ. Khi dịch bệnh, con người không thể đi lại được, các công ty phát triển tối đa máy móc thay thế con người và như vậy tạo ra 1 lượng người dư thừa thất nghiệp.

Một nghịch lý là khi dịch chúng ta quen làm từ xa, hưởng trợ cấp và không muốn đi làm thì các công ty dùng Ai, máy móc tự động và thay thế con người, nhưng khi hết dịch chúng ta quay trở lại thì con người không có việc, thất nghiệp. Mà một khi đã dùng máy móc công nghệ tự động, chúng ta sẽ thấy nó tuyệt như thế nào, nó có thể “lao động” 24/7 không ốm đau, đình công hay phải trả lương; rồi sau khi mua sắm máy móc thì chỉ phải bảo dưỡng và trả tiền điện. Thế mới hỏi tại sao mà các công ty Mỹ, châu Âu đã đầu tư dữ dội cho công nghệ tự động.

Giá cả và người Việt di cư tại Mỹ

Chúng tôi tôi bay đến Omaha thăm khách hàng. Năm nay không lạnh như mọi năm, trời không có tuyết và nắng vàng dễ chiu. Nhiệt độ ở Mỹ nhìn chung không lạnh, đến tháng 2 mà New York còn như mùa hè 65 độ F và thời tiết cũng rất thất thường, hôm nay lạnh thì hôm sau trời nóng. Ngồi ở sân bay hay đợi khách ở sảnh, chúng tôi cũng tán chuyện về con người và thật thú vị bởi không những người Việt chê nhau quê mùa thì người Mỹ cũng chê nhau quê mùa và phân biệt vùng miền kha khá. Điều làm tôi rất buồn cười là họ cũng chê nhau là cô này hay anh này rất nhà quê, hay ở đây họ không có đồ ăn ngon hay họ chỉ có ăn fast foods (thức ăn nhanh), không như dân New York “healthy” (ăn uống lành mạnh)… Đúng là con người thì ở đâu cũng vậy, mọi miền trên thế giới. Sau hơn 3 năm lạm phát ở Mỹ rất cao, một tô phở có giá 15-18 USD và tiền tip nữa là 20 USD; so với Việt Nam thì ăn sáng ở Sài Gòn, Hà Nội cỡ 50 ngàn đồng/ bữa, ở Hải Phòng một đĩa bánh cuốn có 20 ngàn đồng đầy đủ chả toping (thức ăn đặt trên một món ăn khác). Giá cả ăn sáng ở Việt Nam gần như không tăng mấy so với tốc độ tăng của thế giới.

Giá khách sạn sau dịch cũng tăng khủng khiếp. Ở San Diego, chúng tôi thuê 550 usd/đêm và không có chai nước uống, không có bữa sáng; nếu ăn sáng nữa thì phải thêm 80 USD cho 2 người. Vậy tốc độ lạm phát ở Mỹ là rất cao chứ không như báo cáo, chưa kể các quán ăn tối thiểu bạn tip 18%, kể cả tài xế Uber cũng yêu cầu tip thấp nhất 15%. Tôi nhận thấy là nếu thu nhập trung lưu ở Mỹ mà phải đóng thuế đầy đủ với chi phí này thì bạn chưa chắc đã đủ trang trải chứ không nói còn dư. Các báo cáo độc lập của Mỹ cũng nói rằng trên 90 triệu người Mỹ thu nhập hàng tháng không đủ chi trả chi phí. Điều này làm tôi liên tưởng tới Việt Nam. Lớp của con trai tôi có rất nhiều gia đình di cư ra nước ngoài. Nhiều khi họ có những công việc kinh doanh xưởng gỗ xuất khẩu và bán nội địa rất tuyệt, gầy dưng gần 15 năm thế mà đóng cửa hay làm từ xa, có những người có phòng tranh gầy dựng bao năm thì bán để di cư và nhiều việc kinh doanh tốt khác cũng bị bán hay đóng cửa để di cư. Thật lãng phí công sức, con người, tiền bạc, cơ hội biết bao nhiêu! Nhà tôi vẫn có 1 bộ bàn ghế giường tủ mà tôi rất thích mua của một công ty gia đình Việt. Họ gầy dựng hơn chục năm, các thiết kế rất đẹp, đồ gỗ công nghiệp nhưng rất chắc chắn và rất style (phong cách) theo kiểu Nhật Bản. Tuy nhiên họ di cư và tôi vẫn hoài niệm các cửa hàng đồ gỗ đó. Họ làm tốt và đang kinh doanh ngon lành, vậy tai sao phải di cư? Hôm nay đi bộ trên con đường gần nhà tôi, thấy rất nhiều nhà tối đèn, họ đi di cư và tôi luôn tự hỏi qua bên đó có gì vui nhỉ? Buồn và xa cách, gần như các gia đình di cư qua nước ngoài vẫn tiêu tiền kiếm tại Việt Nam và rất ít hoạt động kinh doanh tại sở tại, chưa nói là khác lạ về văn hóa và phân biệt vùng miền khá cao, đặc biệt lúc kinh tế khó khăn này.

Hội chợ Cà Phê Đặc Sản tại Portland, Oregon

Chúng tôi lại tiếp tục đi và ghé thăm hội chợ Cà Phê Đặc Sản tại Portland, Oregon. Lần đầu tiên tôi được ở thành phố mà 1 năm có đến 6, 7 tháng mưa. Đây cũng là thành phố mà nhịp điệu sống rất chậm, mọi thứ cứ như dừng lại. Đặc biệt là người vô gia cư nhiều, ra khỏi khách sạn ở trung tâm là gặp hàng loạt người vô gia cư. Anh bạn tôi từ Canada qua nói là đừng đi bộ xung quanh khách sạn vì không an toàn. Thành phố này trước đây chúng tôi hay gửi cà phê ở kho ngoại quan rồi bán dần nhưng hôm nay tới mới biết điều này. Khi tham gia triển lãm cà phê ở thành phố này, chúng tôi đi đến 1 quyết định thay đổi khá lớn lao là Phúc Sinh gia nhập hoàn toàn việc sản xuất và xuất khẩu hàng cà phê đặc sản, còn gọi là Specialty Coffee.

Kinh doanh và cuộc sống: Có nơi đâu dễ dàng…

Khi bay về New York, chúng tôi tiếp tục đi thăm khách hàng. Phải nói sau dịch không những Việt Nam đi lại dễ dàng và rất nhiều người về quê không trở lại Sài Gòn thì New York cũng cho tôi cảm giác như vậy. Khi trên xe Uber, chúng tôi có nhiều cuộc trò truyện với tài xế, mọi người đều nói là giao thông ở New York và New Jerseys nhìn chúng dễ hơn trước nhiều. Có lẽ nhiều người về quê hay về nước của họ cũng không quay trở lại sau đại dịch, mua sắm vắng hơn và đi ăn nhà hàng nhiều khi không book trước vẫn có chỗ. Tôi cảm nhận và thấy người vô gia cư sau đại dịch ít hơn hẳn ở New York.

Nhà máy cà phê Phúc Sinh Bình Dương

Năm nay khách hàng lớn thì đều thông báo là mua ít đi và xin giao hàng chậm dù hợp đồng đã ký. Quay trở lại việc giao hàng, khi mà giá lên, người mua lớn của chúng tôi bán được cho người tiêu dùng chạy thì mình mà giao trễ sẽ áp lực kinh khủng, họ làm mọi cách khiến chúng ta không có con đường nào khác ngoài giao hàng. Khi kinh tế trì trệ khó bán thì họ gửi thư là đừng có giao hàng và nếu có giao hàng thì không có tiền trả đâu. Hợp đồng xin giao trễ 2,3,4… tháng, kể cả khi mình đã mua hàng chất đầy kho. Vậy đấy, kinh doanh anh phải thấu hiểu người mua và cả người bán. Nếu anh không thấu hiểu thì anh cũng khó tồn tại.

Kinh doanh ở Mỹ cũng rất nhanh, khi guồng quay chạy anh phải chạy thục mạng và khi dừng lại anh cũng phải dừng lại khẩn trương. Các báo cáo độc lập ra thông cáo là tiêu dùng chậm đi, kinh tế khó khăn là hàng loạt các công ty lớn sa thải người lao động, có khi vừa tuyển chưa đi làm hay mới đi làm hay kể cả làm lâu, hôm trước bình thường, buổi sáng hôm sau nhận được email sa thải và khóa tài khoản của anh.

Tuy nhiên, cũng rất nhiều nét văn hóa thú vị mà so với Việt Nam sẽ thấy rất khác. Một trong những công ty gia đình chúng tôi buôn bán khá thân thiết có 3 đời kinh doanh ở Mỹ. Chủ công ty có ông nội từ Ý và lập gia đình với người Ai-Len ở New York. Tôi làm việc với bố vị CEO này hơn 20 năm về trước và khi bố bạn về hưu thì bạn tiếp quản. Bạn qua Việt Nam hay tôi qua Mỹ thì chúng tôi đều liên tục đi công tác cùng nhau. Vì kinh doanh gia vị cho nên nhu cầu nhiều, chính vì thế chúng tôi rất hay gọi cho nhau để chốt giá và ký kết hợp đồng hàng tuần. Tôi coi bạn như là 1 đồng nghiệp thân thiết cho nên khi cần góp ý tôi chia sẻ rất thẳng thắn; chính vì thế mà bạn rất là quý mến tôi. Sau nhiều lần đi công tác ngồi uống bia ở các thành phố khi ăn tối hay ngồi đợi khách hàng chung, cũng như cà phê ở bữa sáng, chúng tôi nói chuyện trên trời dưới biển về công việc và gia đình. Bạn là con ông chủ nên tôi nghĩ phải rất sướng; nhưng không phải, bạn rất tự lập. Một lần bạn tâm sự khi chúng tôi nói về việc học phí ở đại học Mỹ khá mắc, thì hóa ra bạn phải trả toàn bộ học phí đại học bằng cách vay tiền của chính phủ và anh trai bạn cũng vậy. Thật bất ngờ khi đó là con ông chủ và mãi đến 35 tuổi bạn mới trả hết học phí vay để học đại học. Quả thật tôi chưa bao giờ hình dung ra như vậy. Điều này tôi lại liên tưởng về Việt Nam, cha mẹ bán nhà cửa đất đai cho con du học và sống vô cùng tiết kiệm. Hơn nữa không phải đứa trẻ nào cũng biết ơn công sức, sự vất vả tài sản của cha mẹ mình.

Trong chuyến công tác đến Mỹ năm nay, bạn chia sẻ là bạn mới mua 1 căn nhà và mời tôi tới ăn tối. Tôi biết người phương Tây chỉ mời tới nhà khi họ thân thiết với nhau. Tôi cũng biết gia đình bạn có 3 em bé gần bằng tuổi nhau. Vợ bạn ở nhà chăm sóc. Tuy nhiên cái mà tôi được nhìn thấy làm tôi vô cùng ngưỡng mộ. Khi tới nhà bạn ấy mọi thứ sạch sẽ và rất ngăn nắp. Vợ bạn lên ý tưởng thiết kế và sơn sửa mua sắm mọi đồ dùng. Bọn trẻ vui và hiếu động nhưng rất nghe lời bố mẹ, 2 đứa lớn 5 và 3 tuổi tự ăn, có đứa nhỏ bị sốt nhưng ngủ 1 mình và có mẹ thường lên kiểm tra. Đến bữa tráng miệng, có món kem ngon thì em bé tỉnh giấc. Em bé dù bị sốt nhưng rất thích ăn kem, thế là vợ chồng bạn cho ăn kem luôn, bảo ăn kem lạnh thì hết sốt. Điều này cũng rất khác so với nuôi dạy trẻ em ở Việt Nam, nếu sốt và ho thì không một gia đình nào ở Việt nam cho em bé ăn kem lạnh, thậm chí là ăn cả 1 bát kem. Tôi hỏi đi hỏi lại và cả 2 vợ chồng bạn bảo không sao, kem lạnh hạ nhiệt sốt.

Tôi vô cùng thán phục gia đình bạn về việc quản lý chăm sóc bọn trẻ, vì gia đình tôi phụ thuộc hoàn toàn vào người giúp việc. Nhà cửa trở nên rối tinh khi người giúp việc nghỉ về quê. Phải nói thật chúng tôi rất sợ người giúp về quê và chúng tôi luôn thỏa thuận chi tiết cũng như thưởng tốt nếu họ ít về quê. Việc đánh vật với 1 đứa trẻ cũng làm chúng tôi bơ phờ. Kể cả khi có bà nội và bà ngoại cùng người giúp mà chúng tôi cũng còn thấy khá vất vả, trong khi gia đình bạn ở đây không có ông bà nội, ngoại hay người giúp việc hỗ trợ, chỉ 2 vợ chồng và 3 đứa con, mọi thứ tự xoay xở mà nhà cửa gon gàng, vợ chồng bạn vẫn bình thản hưởng thụ cuộc sống. Một câu bạn ấy nói vui mà tôi thấy rất ấn tượng là ông bà lâu lâu tới dù rất yêu đứa trẻ nhưng chỉ bế lên vài phút khi nó khóc là đưa trả lại ngay cho bố mẹ. Gia đình bạn chỉ trông chờ vào bản thân họ mà thôi!

Đến chơi nhà bạn, tôi được mời vào bếp phụ bạn nấu và bạn nấu ăn khá ngon. Trong tuần, bạn đi làm còn vợ ở nhà chăm 3 đứa và cuối tuần thì bạn vào bếp. Đây là văn hóa Mỹ, ở Việt Nam rất khác, chắc chẳng ai mời khách đến và bảo họ vào bếp phụ với mình; nhưng đây là văn hóa Mỹ, tôi rất vui vừa phụ bạn vừa được bạn rót cho ly rượu vang đỏ nhâm nhi.

Khi bạn nhờ tôi cắt rau và bạn giới thiệu có 1 con dao rất sắc và đẹp. Bạn nói đây là quà sinh nhật của bạn do vợ bạn tặng. Thật là thú vị khi người chồng nấu ăn ngon, sinh nhật thì được tặng 1 con dao tốt.

Có rất nhiều thứ nếu chúng ta không đi và không trải nghiệm sẽ không biết sự khác biệt về văn hóa. Tôi có thể nghe nhiều những điều tương tự nhưng hôm nay tôi mới được trải nghiệm, và tôi đã rất vui.

Sau khi ăn xong chúng tôi ngồi uống trà, bạn kể về “sự nghiệp” mua nhà. 40 tuổi, bạn mới mua nhà lần đầu và trả góp 30 năm. Tôi nghĩ bố mẹ hai bên chắc giúp đỡ nhiều vì bố mẹ hai bên đều là chủ doanh nghiệp; nhưng không, mọi thứ là do 2 bạn tự trả!Mmột điều tuyệt là cả hai bạn đều rất yêu và kính trọng bố mẹ của mình, họ nói về bố mẹ với tất cả trìu mến.

Tôi hỏi bạn thế ở Mỹ văn hóa như vậy, tất cả đều tự lực hết hay sao? Bạn nói là 50/50, nghĩa là 50% tự lực và 50% có sự giúp đỡ lớn của gia đình bố mẹ, nhưng bạn luôn nói là nếu bạn hỏi sự giúp đỡ thì chắc chắn bố mẹ sẽ giúp.

Ở Việt Nam, bố mẹ giúp con cái là trách nhiệm và đương nhiên, nếu như một ai đó mua nhà mà bố mẹ có điều kiện không giúp thì tôi không biết sấm sét gì sẽ nổ ra! Vì vậy điều này làm tôi ấn tượng vô cùng và muốn viết ra để chia sẻ cho các bạn đọc. Cái mà tôi thấy thật tuyệt là dù bố mẹ không đóng học phí đại học, bạn tự trả hay bạn phải tự mua nhà mà không nhận được sự hỗ trợ chút gì từ bố mẹ, hay nuôi 3 đứa con mà không có phụ huynh 2 bên đến giúp như kiểu Việt nam, ấy vậy bạn và vợ bạn vẫn rất hồn nhiên, luôn yêu và kính trọng bố mẹ. Đó quả là một điều quá tuyệt vời. Văn hóa này ở Mỹ tôi nghĩ khác xa so với Châu Á và Việt Nam.

Câu chuyện làm tôi liên tưởng đến câu chuyện quanh tôi. Tôi có 1 bạn tài xế trên 35 tuổi đẹp trai và khỏe mạnh, bạn ấy khá nhanh nhẹn và thông minh, lái xe rất cừ và có vẻ thủ lĩnh trong nhóm tài xế. Vì bạn lái xe cho tôi cho nên nhiều khi vô tình tôi nghe được câu chuyện của bạn với bố bạn, một Việt kiều ở California (Mỹ) năm nay trên 72 tuổi. Tuy trên 72 tuổi nhưng giọng bố bạn còn khỏe và khá trẻ so với tuổi. Bố bạn giúp đỡ bạn rất nhiều về kinh tế, hay gửi tiền cho bạn. Lúc đó bạn đang thuyết phục bố bạn gửi tiền cho bạn mua 1 xe bán tải để bạn ấy chạy, giá xe cũng cao. Tôi tự hỏi 1 ông già trên 72 tuổi phải làm việc vô cùng chăm chỉ như thế nào để có tiền vừa sống ở Mỹ và vừa có tiền gửi về cho con ở Việt nam? Chắc không làm ít hơn 1 ca/ngày. Có lẽ do phải gánh vác nhiều nên ông có động lực lớn để làm và phải luôn trẻ. Và những việc như này ở Việt Nam không ít.

Tác giả, Chủ tịch Phúc Sinh Group Phan Minh Thông

Một câu chuyện khác cũng làm tôi suy nghĩ là lúc đó tôi có mời 1 anh bạn người Nhật -Ceo của 1 công ty sản xuất đi ăn trưa. Anh đi với 1 cô trợ lý và tôi đi cùng với 1 bạn giám đốc phụ trách sale. Buổi ăn trưa rất vui và cô trợ lý làm cho văn phòng Nhật này trên 5 năm, cô rất hồn nhiên kể bằng tiếng Việt là chỗ cô vừa có 1 chị kế toán trưởng di cư qua Canada và ở văn phòng cô ai cũng thích “qua bên bển”. Tôi không biết anh người Nhật có biết hay hiểu hết tiếng Việt không. Còn bạn hỏi bạn giám đốc sale bên tôi: Thế văn phòng anh thì sao? Bạn giám đốc sale trả lời là cả văn phòng bên này không ai muốn di cư cả. Bạn rất ngạc nhiên. Nhưng qua câu chuyện dài hơn thì bạn hiểu phần nào.

Khi tôi làm quản lý, tôi đã rất nỗ lực để đưa đồng nghiệp nhân viên của mình đi công tác khắp nơi. Có thể là Napoli, Genova, Ý với các thành phố rất đẹp tuy nhiên rất nhiều thanh niên thất nghiệp, hay các thành phố Châu Âu cũng như rất nhiều thành phố của Mỹ với vòng quay làm việc điên cuồng. Nhân viên của chúng tôi đi nhiều nơi, làm việc với nhiều đồng nghiệp trên thế giới và họ nhận ra rằng ở đâu cũng phải làm việc chăm chỉ để có cuộc sống tốt hơn, đặc biệt Việt nam cũng rất nhiều cơ hội và chi phí khá rẻ so với thu nhập. Sau khi đi nhiều nơi trên thế giới, nhân viên của chúng tôi thường làm các bài chia sẻ với hình ảnh văn hóa con người khắp nơi, họ cảm nhận thực tế và ít nghĩ rằng có nơi nào kiếm tiền quá dễ dàng hơn nơi khác.

Bạn giám đốc sale cũng chia sẻ, thực ra những người nước ngoài hay chúng ta thường gọi chung là phương Tây chưa chắc đã giàu hơn hay khá giả hơn so với nhân viên Việt Nam, nhưng họ đi lại trên thế giới dễ dàng hơn chúng ta, mà dễ dàng trước hết là trong suy nghĩ của họ. Với họ, chi tiêu du lịch và đi châu Á, Việt Nam hay Trung Đông, Châu Phi hay các nước Mỹ La Tinh là việc bình thường, và họ đi hàng năm. Do đó họ nhận ra thực tế tốt hơn chúng ta rất nhiều. Hơn nữa họ không có tư duy hy sinh mọi thứ cho con cái như chúng ta, mua nhà bằng mọi giá, chạy đua các trường hay làm mọi cách cho con du học. Còn chúng ta dành phần lớn thu nhập cho nhà cửa xe cộ và con cái, chúng ta ít đi thực tế và khi chúng ta chỉ xem tin tức qua báo chí truyền thông, ti vi hay các video thì khi nhìn xã hội khác chúng ta luôn nghĩ nó tốt hơn xã hội của mình.

Chỗ tôi cũng có 1 bạn Sale Leader (phụ trách Kinh doanh), khi lên kế hoạch đi Mỹ bạn ấy “book” lịch sát sạt, nghĩa là không có 1 ngày dư. Tôi hỏi tại sao, bạn ấy nói Portland không có gì nhiều và quần áo đồ dùng ở Việt Nam khá rẻ, rẻ hơn đây nhiều nên em mua ở Việt Nam. Trong cuộc nói chuyện, bạn kể, gia đình chú bạn di cư qua Mỹ cùng cậu con trai, ở 5 tháng lạnh quá không chịu nổi phải về lại Việt Nam; tuy nhiên cậu con trai ở Việt Nam không hòa nhập được nhưng ở Mỹ lại hòa nhập rất nhanh và rất thích cuộc sống bên này, vì vậy dù cha mẹ có về nhưng cậu vẫn muốn ở lại Mỹ.

Từ đầu năm 2023 và đến giờ tháng 7/2023 tôi đã có 4 chuyến đi Mỹ, kinh doanh buôn bán, văn hóa khác biệt nước Mỹ rất hấp dẫn, và tôi luôn muốn viết để ghi lại khoảnh khắc và chia sẻ sự khác biệt về văn hóa rất tuyệt vời này. Tuy nhiên vì công việc bận quá, hay lười, cho nên hôm nay Chủ Nhật tôi đã dành buổi chiều để ghi lại những cảm nhận sau một chuyến đi. Đặt xuống dấu chấm sau những nghĩ suy, hồi tưởng, tôi cảm nhận rất rõ sự thư thái sự nhẹ nhàng và rất nhiều niềm vui, như trút được những gánh nặng trong lòng.  Sau 1,2 năm hay nhiều hơn nữa, đọc lại những gì mình viết, tôi sẽ có một tấm gương soi chiếu để đối diện với tôi ở tương lai; khi ấy, hẳn là rất tuyệt và sẽ nghĩ rằng, may quá, tôi đã cố gắng ngồi vào bàn và đã viết.