taichinhthuonghieu11.200

Gia nhập ‘câu lạc bộ’ tỉ đô la: Sức bật cho xuất khẩu chuối Việt Nam năm 2023

Chuối tươi cũng được đánh giá là một trong những loại trái cây có nhiều tiềm năng xuất khẩu, mang lại thu nhập cao cho người trồng chuối trong thời gian tới.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Theo thống kê, cả nước có khoảng 155 nghìn ha trồng chuối với sản lượng gần 2,5 triệu tấn một năm. Hiện, cả nước có 35 tỉnh với 286 mã số vùng trồng chuối xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, trong đó, Đồng Nai là địa phương đứng đầu cả nước về số lượng mã số vùng trồng được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số và Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt với 30 vùng trồng và 39 cơ sở đóng gói.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai- Trần Lâm Sinh cho biết: Để được cấp mã số vùng trồng, nông dân phải sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, ghi sổ tay canh tác hoặc nhật ký đồng ruộng trong quá trình canh tác. Thời gian tới, Đồng Nai tiếp tục xây dựng vùng sản xuất chuối tập trung, phát triển bền vững theo hướng không tăng diện tích mà đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, thương hiệu, gia tăng giá trị. Để đạt được điều này, tỉnh sẽ phát triển vùng sản xuất gắn với quy hoạch hạ tầng để giảm chi phí logistics.

Đầu tư sâu hơn về giống có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu bệnh, chuyển giao các giống chuối đặc sản phù hợp với việc mở rộng thị trường xuất khẩu. Đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng chuối tươi thông qua thúc đẩy áp dụng đồng bộ quy trình sản xuất tiên tiến, chuẩn hóa từ khâu sơ chế, đóng gói và bảo quản chuối.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai- Nguyễn Thị Hoàng khẳng định: Để sản phẩm trái cây nói chung và chuối nói riêng tiếp tục phát triển mạnh và bền vững, ngoài nỗ lực tự thân của người trồng, thì rất cần các doanh nghiệp tiếp tục đồng hành, mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản, đáp ứng các yêu cầu của thị trường thế giới.

Từ đó, góp phần đưa sản phẩm trái chuối tươi của nước ta ngày càng vươn xa hơn ra thị trường quốc tế. Ngành nông nghiệp và các sở, ngành liên quan và chính quyền các địa phương tiếp tục chia sẻ, hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc của doanh nghiệp, người dân để trái chuối đáp ứng các yêu cầu, điều kiện theo quy định ngày càng khắt khe hơn của các nước nhập khẩu.

Cơ hội xuất khẩu chuối sang thị trường Trung Quốc rộng mở khi Nghị định thư về xuất khẩu trái chuối tươi chính ngạch của Việt Nam sang Trung Quốc đã được ký kết vào tháng 11/2022. Tức là, chuối tươi Việt Nam đã có được tấm giấy thông hành sang Trung Quốc.

Cùng với đó, một số hệ thống siêu thị tại Nhật Bản đã có kế hoạch tăng nhập khẩu chuối Việt Nam với khối lượng không giới hạn, miễn là các đối tác Việt Nam đáp ứng, bảo đảm chất lượng. Năm 2022, chuối Việt Nam xuất khẩu vào Nhật Bản chỉ đạt hơn 7 triệu USD, chiếm chưa đầy 1% thị phần nhập khẩu chuối của Nhật Bản, là con số rất khiêm tốn, do đó, còn nhiều dư địa để chuối tươi Việt Nam gia tăng thị phần tại thị trường Nhật Bản trong những năm tới.

Đây cũng chính là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân trồng chuối mạnh dạn đầu tư bài bản, khoa học, có tiêu chuẩn để đưa trái chuối Việt Nam xuất ngoại ngày càng tăng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Theo đó, chuối được xuất chính ngạch, với quy trình tổ chức sản xuất, bao gói được chuẩn hóa, từ đó tạo đà cho tăng kim ngạch xuất khẩu trong nhiều năm tiếp theo. Chỉ riêng Trung Quốc chi hơn 1 tỉ đô la nhập chuối mỗi năm, trong đó, Việt Nam hiện là nước xuất khẩu chuối lớn thứ 2 sang thị trường này, sau Philippines.

Cũng theo Vinafruit, chuối và sản phẩm chế biến từ chuối của Việt Nam đang được xuất khẩu mạnh vào các thị trường Singapore, Malaysia. Sau thanh long, sầu riêng, mít, xoài thì chuối đang là trái cây xuất khẩu mạnh, mỗi năm đem về hàng trăm triệu đô la.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên của Vinafruit, xuất khẩu rau quả vào thị trường Trung Quốc luôn chiếm trên 50% tổng kim ngạch. Do đó, việc Trung Quốc mở cửa biên giới, rau quả vận chuyển bằng đường bộ sẽ đi nhanh hơn, cước phí rẻ hơn sẽ lợi thế cạnh tranh của Việt Nam so với nhiều nước khác.

Ông Lê Viết Bình, Trưởng Cơ quan đại diện phía nam Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng: Tuy cơ hội rộng mở nhưng vẫn có thể đóng lại bất cứ lúc nào nếu chúng ta không tuân thủ các tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu chuối của Việt Nam. Chúng ta không nên tăng diện trồng chuối ồ ạt mà tập trung đầu tư, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng, chú trọng chế biến chuyên sâu để nâng giá trị của trái chuối hướng đến đa dạng thị trường xuất khẩu.

Trái cây xuất khẩu, sản phẩm phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng mỗi thị trường lại có yêu cầu, tiêu chuẩn khác nhau.

Xuất khẩu đi EU, các doanh nghiệp phải chú ý là 100% hàng nhập vào nước họ đều được “test” mẫu kiểm tra chất lượng, nếu không đạt sẽ bị trả về và bị cấm nhập khẩu. Sản phẩm tốt không chỉ là đủ chuẩn xuất khẩu mà phải cả quá trình phân phối, đến tay người tiêu dùng vẫn đạt chất lượng. Nhiều doanh nghiệp chủ quan, chỉ tính thời gian vận chuyển mà không cộng thêm thời gian phân phối, người tiêu dùng sử dụng nên thất bại.

Một thách thức không nhỏ hiện nay là chưa đến 5% tổng sản lượng trái cây tươi Việt Nam được xử lý, đóng gói chuẩn chỉnh để có thể xuất khẩu vào các thị trường cao cấp. Ngoài ra, trước đây, yếu tố trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp xuất khẩu không bắt buộc nhưng hiện bắt buộc phải có khi xuất khẩu vào thị trường EU.

Theo Doanhnghiephoinhap.vn

In bài viết
img2300x243img1300x250
BÀI VIẾT MỚI CẬP NHẬT
Kết nối với chúng tôi

Taichinhthuonghieu.com

Cập nhật thông tin về tài chính thương hiệu.

Ghi rõ nguồn :Taichinhthuonghieu.com khi phát hành lại thông tin từ website này

 


.