Nhiều doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tiên phong tiến ra thị trường thế giới và thành công rực rỡ. |
1.500 doanh nghiệp công nghệ số có doanh thu từ thị trường nước ngoài
Theo thống kê, tính hết tháng 7/2024, tổng số doanh nghiệp công nghệ số đang hoạt động ước tính khoảng 51.038, tăng gần 6.000 doanh nghiệp so với tháng 8/2023. Đặc biệt, hiện đã có 1.500 doanh nghiệp công nghệ số có doanh thu từ thị trường nước ngoài.
Doanh thu từ thị trường nước ngoài trong năm 2023 là 7,5 tỷ USD, và dự kiến con số này năm nay xấp xỉ 10 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng khoảng 30%.
Tại Hội nghị “Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới: Cơ hội và thách thức”, ông Nguyễn Thanh Tuyên - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cho biết tổng quan về ngành công nghệ thông tin (CNTT) và cơ hội doanh nghiệp CNTT ở Việt Nam. .
Ông Nguyễn Thanh Tuyên - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông |
Ông thông tin: “Đầu tư FDI vào lĩnh vực công nghệ và thông tin đang tăng trưởng ở tốc độ tăng trưởng kép 2020 – 2023 là 15,4% nhưng tỉ trọng còn nhỏ. Thông qua các chính sách đầu tư hấp dẫn của Việt Nam đã giúp thúc đẩy đầu tư cho lịnh vực công nghệ, đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghệ và thông tin tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên, tỉ trọng của ngành này còn chiếm tỉ lệ rất nhỏ, cho thấy Việt Nam vẫn còn dư địa để tiếp tục phát triển và thu hút nhà đầu tư nước ngoài trong tương lai gần”.
Cũng theo ông Tuyên, hiện nay Việt Nam có khoảng 1,5 triệu lao động, trong đó có gần 500.000 kỹ sư. Về cơ cấu ngành công nghiệp CNTT Việt Nam 2023, có khoảng 63% doanh nghiệp làm về phần cứng, điện tử, 17% doanh nghiệp làm về phần mềm, 14% doanh nghiệp làm về buôn bán, phân phối CNTT, 8% doanh nghiệp về dịch vụ CNTT trừ buôn bán, phân phối).
Tăng trưởng lao động ngành công nghiệp CNTT Việt Nam năm 2018-2023. Nguồn: Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông. |
Hiện tại, có khoảng 70% trên tổng số trường đại học và cao đẳng ở Việt Nam hiện đang đào tạo nhóm ngành CNTT, điều này cho thấy nỗ lực của Việt Nam trong việc mở rộng nguồn cung nhân lực CNTT. Ngoài ra, các trường đại học, cao đẳng đào tạo CNTT cũng bổ sung thêm các chuyên ngành mới để phù hợp với xu hướng công nghệ toàn cầu như AI và An ninh mạng. Điều này giúp tăng chất lượng và nguồn cung của nhân lực CNTT có tay nghề cao trên thị trường.
Doanh nghiệp Việt ghi dấu ấn tại thị trường quốc tế
Ông Vũ Văn Chung, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
Cũng tại Hội nghị, ông Vũ Văn Chung, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: “Tính trên cả nước có 1.772 dự án đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đăng ký 22,12 tỷ USD đầu tư sang 81 quốc gia, vùng lãnh thổ. Bên cạnh các địa bàn đầu tư truyền thống, đầu tư ra nước ngoài đang dần dịch chuyển sang các nước phát triển như: Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... Ngoài các lĩnh vực đầu tư truyền thống, đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, dịch vụ, sản xuất công nghiệp, các ngành có hàm lượng kỹ thuật hiện đại đang có xu hướng gia tăng đáng kể.
Đặc biệt, riêng đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực thông tin và truyền thông hiện Việt Nam có 223 dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, với tổng vốn đăng ký 2,84 tỷ USD, chiếm 13% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài. Các dự án chủ yếu tập trung vào thị trường Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ. Theo quy mô dự án thì các dự án viễn thông có quy mô lớn hơn, tập trung tại Myanmar, Peru và một số nước châu Phi. Trong khi đó, các dự án công nghệ thông tin quy mô nhỏ, tập trung vào Singapore, Mỹ, Nhật Bản”.
Tỷ lệ các thị trường đầu tư trong lĩnh vực thông tin và truyền thông. |
Những năm qua, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã phát triển nhanh, cả về số lượng và năng lực cạnh tranh. Cộng đồng các doanh nghiệp công nghệ Việt đã và đang cung cấp các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp số cho công cuộc tăng tốc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số của đất nước, góp phần thu hẹp khoảng cách số trên toàn cầu, cùng cộng đồng doanh nghiệp quốc tế chung tay xây dựng thế giới số.
Năm 2022, FPT đã ghi dấu ấn trên bản đồ công nghệ quốc tế bằng việc là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên ra mắt dòng chip vi mạch ứng dụng trong sản phẩm Internet vạn vật (IoT) cho lĩnh vực y tế.
Năm 2023, sản phẩm chip của FPT đang bước đầu hiện diện ở thị trường Mỹ, Nhật. Đồng thời, FPT cũng mở rộng sang các lĩnh vực khác như chiếu sáng, thiết bị thông minh, công nghệ trên ô tô, năng lượng… Năm 2022 là năm đầu tiên FPT cán mốc doanh thu 1 tỷ USD từ thị trường quốc tế trong lĩnh vực chuyển đổi số, đưa Việt Nam xếp thứ 2 trên bản đồ số, sau cường quốc phần mềm Ấn Độ.
Trong khi đó, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội Viettel cũng có một năm 2022 thành công ở thị trường quốc tế với doanh thu cán mốc gần 3 tỷ USD. Viettel đang giữ vị trí nhà mạng 5G số 1 tại thị trường Lào, Campuchia, Myanmar, Đông Timor và Burundi. Bên cạnh đó, Viettel cũng là DN Việt nổi bật thực hiện chuyển đổi số cho các quốc gia Haiti, Lào…
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đang đầu tư nghiên cứu và phát triển những công nghệ mới như chip bán dẫn, Generative AI, Blockchain… Các doanh nghiệp này trong nhóm này đang hiện diện trên 20 quốc gia, có hàng chục ngàn nhân sự, thực hiện chuyển đổi số cho những doanh nghiệp trong danh sách Fortune 500 và những tập đoàn hàng đầu thế giới.
Trả lời Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập, ông Nguyễn Thanh Tuyên cho biết thêm: "Công nghệ số có thể coi là bệ phóng quan trọng cho doanh nghiệp khi tiếp cận thị trường toàn cầu. Trong khi các doanh nghiệp lớn đã có những bước đi thành công trong việc chinh phục thị trường quốc tế, lĩnh vực công nghệ thông tin là lĩnh vực rất sáng cho cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Để ghi dấu ấn tại thị trường quốc tế, các doanh nghiệp nhỏ và vừa quan trọng nhất là phải có hoài báo lớn, thứ 2 là phải có sản phẩm độc đáo để đem ra thị trường quốc tế".
“Điểm tựa” giúp doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam ra nước ngoài
Với quan điểm “Nhà nước mở đường, người đi trước kéo người đi sau”, thời gian quan, Bộ Thông tin nói riêng và Chính phủ nói chung đã có những hỗ trợ để thúc đẩy doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới.
Theo ông Nguyễn Thanh Tuyên, hiện Bộ TT&TT đang dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số. Dự thảo được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế đóng góp lớn vào kinh tế đất nước; đưa Việt Nam trở thành môi trường thuận lợi nhất để nuôi dưỡng và phát triển doanh nghiệp công nghệ số. Ngoài ra, dự thảo cũng được kỳ vọng sẽ giúp phát triển ngành công nghiệp công nghệ số với trọng tâm là các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam và góp phần xây dựng chính phủ số, động lực phát triển kinh tế số, xã hội số. Dự thảo cũng nhằm thúc đẩy thông minh hóa các ngành công nghiệp qua việc đưa công nghệ số thâm nhập, hội tụ vào các ngành, lĩnh vực thay đổi phương thức làm việc, mang lại các giá trị mới, tạo ra cuộc cách mạng về thông minh hoá.
Ngoài dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, ông Tuyên cũng thông tin các nguồn tài chính cho phát triển công nghiệp công nghệ số, gồm: Ngân sách Nhà nước; Quỹ phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia; Quỹ phát triển khoa học và công nghệ và nguồn vốn hợp pháp khác của doanh nghiệp; Quỹ đầu tư phát triển của địa phương, doanh nghiệp; Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao và các quỹ khác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ; Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích; ...
“Bên cạnh đó, Chính phủ cũng có những hỗ trợ nhất định đối với hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. Cụ thể như, chương trình tài trợ, vay vốn và hỗ trợ tài chính; đối với hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo công nghệ số thì có vườn ươm, trung tâm khởi nghiệp, chuyển giao công nghệ...; tổ chức các cuộc thi, chương trình hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo công nghệ số, truyền thông, xúc tiến thương mại... nhằm thúc đẩy hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo công nghệ số”, ông Tuyên cho biết.
Để tăng thêm cơ hội, không gian và dư địa cho doanh nghiệp công nghệ số đầu tư ra nước ngoài mạnh mẽ hơn, tại Hội nghị, các diễn giả đều cho rằng, thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm nâng cao năng lực chuyển đổi số và thương mại điện tử thông qua việc ký kết thêm các biên bản ghi nhớ với các tổ chức xúc tiến thương mại, đối tác lớn trên thế giới. Tận dụng các nguồn lực quốc tế nhằm hỗ trợ hoạt động trao đổi kinh nghiệm, nâng cao năng lực về chuyển đổi số và thương mại điện tử cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin.
Hội nghị ngày hôm nay được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam thấy rõ hơn cơ hội, thách thức để chinh phục các thị trường mới, mở rộng không gian phát triển của mình. Các bộ, ngành cam kết sẽ tiếp tục đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tiếp cận thị trường các nước, tìm kiếm đối tác; phân tích tiềm năng thị trường, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc để giúp doanh nghiệp hạn chế rủi ro khi đầu tư kinh doanh tại nước ngoài.
Ông Hà Thế Dương - Phó TGĐ Viettel Global chia sẻ về một số kinh nghiệm khi đầu tư ra nước ngoài: Thứ nhất, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật và cam kết với Chính phủ của cả Viẹt Nam và các nước sở tại, kèm theo giám sát chặt chẽ là yếu tố then chốt đảm bảo chất lượng và thành công của dự án đầu tư ra nước ngoài. Thứ hai, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với các quốc gia đầu tư. Việc chú trọng bồi đắp quan hệ tốt với cơ quan quản lý tại địa phương cũng góp phần hỗ trợ nhà đầu tư trong quá trình vận hành kinh doanh. Thứ ba, đối với Viettel Global, “tướng ngoài biên ải” không phải là cụm từ xa lạ. Ban giám đốc Tập đoàn và Ban giám đốc Viettel Global không chỉ định hướng, điều hành mà còn ăn cùng, ở cùng, làm đến cùng với các CTTT. Thứ tư, Viettel Global giữ vị trí số 1 về thị phần tại 7/10 thị trường, trong đó, hầu hết đều bứt phá từ việc tìm thấy cơ hội trong khó khăn. Thứ năm, Viettel Global coi chênh lệch tỷ giá là chi phí kinh doanh từ đó cụ thể bằng hành động, điều chỉnh giá cước thông minh để bù đắp chi phí tăng do chênh lệch tỷ giá. Thứ sáu, Tại các nước, thành lập Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam để giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau trên hành trình đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, trả lời câu hỏi của Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập, ông Dương cũng chia sẻ vấn đề về bảo mật dữ liệu cũng là một yếu tố quan trọng khi doanh nghiệp tham gia thị trường quốc tế. Ông cho rằng: "Theo quy định ở nước sở tại, chúng tôi đang sử dụng máy chủ tại khu vực đó, không được chuyển dữ liệu cá nhân ra ngoài quốc gia đang hoạt động đó, từng hạng mục dữ liệu được chuyển hay không được chuyển đều có quy định riêng. Về trong nước, chúng tôi cũng có những danh mục dữ liệu trọng yếu và phân bổ danh mục dữ liệu một cách hợp lý". |
Taichinhthuonghieu.com
Cập nhật thông tin về tài chính thương hiệu.
Ghi rõ nguồn :Taichinhthuonghieu.com khi phát hành lại thông tin từ website này
.