taichinhthuonghieu11.200

Định hướng phát triển hoạch định tài chính cá nhân tại Việt Nam

Tại Diễn đàn Phát triển thị trường tài chính cá nhân tại Việt Nam với chủ đề: "Định hướng phát triển hoạch định tài chính cá nhân tại Việt Nam" diễn ra ngày 4/8, các chuyên gia đã chỉ ra nhiều thực trạng của thị trường tài chính cá nhân Việt Nam.

Tài chính cá nhân được hiểu là một thuật ngữ chỉ việc quản lí tiền của cá nhân, tiết kiệm và đầu tư; bao gồm việc lập ngân sách, sử dụng các dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, thế chấp, đầu tư. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng mức độ hiểu biết tài chính cá nhân của người dân Việt Nam còn hạn chế. 

12

TS.Lê Minh Nghĩa - Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) đưa ra 5 sự thật về thị trường tài chính cá nhân tại Việt Nam. Bao gồm: Thứ nhất là vấn đề tài chính cá nhân đang là chủ đề nóng, thu hút ngày càng nhiều sự quan tâm của người dân, đặc biệt là giới trẻ. Tiếp theo đó, việc trình độ dân trí tài chính còn hạn chế và nhất là khả năng quản lý, hoạch định tài chính cá nhân còn khá khiêm tốn. 

Bên cạnh đó, niềm tin của người dân đối với thị trường tài chính hiện nay đang bị tổn thương vẫn chưa được thực sự phục hồi. Trên thị trường xuất hiện các khoảng trống về pháp lý, các hành vi gian lận của các tổ chức, cá nhân phát hành chứng khoán, hành nghề tư vấn, môi giới các sản phẩm, dịch vụ tài chính cá nhân bán chéo qua ngân hàng thương mại, niêm yết trên sàn chứng khoán...

Yếu tố thứ 4 là khoảng trống về mặt quản lý nhà nước, trên thị trường tài chính hiện nay xung quanh các hoạt động nâng cao dân trí tài chính và hoạch định tài chính cá nhân. Và cuối cùng, theo TS.Lê Minh Nghĩa là việc đã tồn tại những kinh nghiệm quốc tế và trong nước về quản lý tài chính cá nhân.

Theo các chuyên gia, hoạch định tài chính cá nhân là phương pháp quản trị tài chính cá nhân và là cách tiếp cận toàn diện nhất hiện nay.

TS.Nguyễn Thị Hiền - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) đề cao vai trò của ngành hoạch định tài chính cá nhân là cần thiết hơn bao giờ hết. Điều này sẽ người dân hiểu biết về kiến thức tài chính, hiểu thêm về các sản phẩm dịch vụ tài chính… 

Dựa trên thực trạng hoạch định tài chính cá nhân tại Việt Nam, TS.Nguyễn Thị Hiền đưa ra một số đề xuất để phát triển ngành hoạch định tài chính cá nhân thành như sau: Đẩy mạnh truyền thông về hoạch định tài chính cá nhân, giúp người dân hiểu rõ hoạch định tài chính cá nhân là gì và tầm quan trọng của hoạch định tài chính cá nhân trong đời sống.

VFCA cần phối hợp với Bộ Giáo dục – Đào tạo và hệ thống các trường đại học để thiết lập Hoạch định tài chính cá nhân thành một chuyên ngành chính thức, thuộc bộ môn Tài chính – Ngân hàng ở các trường cao đẳng, đại học.

Ngoài ra, thiết lập Hiệp hội hoặc Hội đồng tiêu chuẩn về hoạch định tài chính cá nhân để thiết lập tiêu chuẩn và quản lý, giám sát chất lượng cung ứng dịch vụ hoạch định tài chính cá nhân của các cá nhân và tổ chức có chứng chỉ hành nghề.

Trong khi đó, TS.Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV và Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia cho biết trong quản lý tài chính cá nhân hiện nay còn 1 số vấn đề đáng chú ý và cần hoàn thiện như sau: 

Xuất hiện một số vấn đề mới phát sinh dẫn đến việc cần hoàn thiện hành lang pháp lý. Nhiều mô hình kinh doanh mới phát triển, đặt ra yêu cầu bổ sung mô hình, cơ chế, phương thức quản lý, giám sát tập đoàn tài chính, mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ, tài chính số.

Vấn đề tiếp theo là khả năng tiếp cận tài chính còn hạn chế. Qua đó, cần nâng cao vai trò, hiệu quả của thị trường tài chính và các định chế tài chính, phát triển nền tảng nhà đầu tư, hạ tầng tài chính...

Ngoài ra, vấn đề mới phát sinh nữa là rủi ro hệ thống tài chính, tội phạm tài chính gia tăng. Cần nâng cao năng lực quản lý, giám sát, an toàn và ổn định hệ thống tài chính-tiền tệ; bảo vệ người tiêu dùng tài chính; tăng cường giáo dục tài chính. Và cuối cùng, vấn đề công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, cần hoàn thiện thể chế, năng lực của các nhà đầu tư...

Làm thế nào để hoạch định tài chính cá nhân hiệu quả tại Việt Nam - Ảnh 5.


Tại Diễn đàn, PGS.TS Nguyễn Tiến Hoàng, Trưởng khoa Tài chính – Ngân hàng, Trường Đại học Văn Lang cho hay, dự kiến từ năm học 2024 – 2025, song song với ngành Bất động sản và Công nghệ tài chính (Fintech), chương trình đào tạo ngành Tài chính – Ngân hàng của trường sẽ có thêm chuyên ngành Hoạch định tài chính cá nhân. Đây là ngành mới bên cạnh các chuyên ngành hiện hữu là Tài chính doanh nghiệp, Đầu tư tư tài chính, Quản trị rủi ro và bảo hiểm, Ngân hàng và Tài chính số.

Theo ông Tiến Hoàng, trên thế giới đã có nhiều cơ sở giáo dục đại học đào tạo ngành Hoạch định tài chính cá nhân, tuy nhiên ở Việt Nam hiện tại chưa có ngành này.

Đại học Văn Lang kỳ vọng sẽ cùng các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam quan tâm và phát triển ngành học này trong tương lai để không những cung ứng cho thị trường lao động nhân sự có chất lượng cao mà còn tham gia hữu ích vào việc nâng cao kiến thức về quản lý tài chính trong cộng đồng, hướng đến hoàn thành mục tiêu phát triển tài chính toàn diện theo Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Kim Lan

In bài viết
img2300x243img1300x250
BÀI VIẾT MỚI CẬP NHẬT
Kết nối với chúng tôi

Taichinhthuonghieu.com

Cập nhật thông tin về tài chính thương hiệu.

Ghi rõ nguồn :Taichinhthuonghieu.com khi phát hành lại thông tin từ website này

 


.