Ngày 10/9, tại TP.HCM, Viện Nghiên cứu Truyền thông phát triển (RED) tổ chức Diễn đàn Kết nối ba bên Thanh niên – Marketer – Nhà báo.
Diễn đàn là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án “Thanh niên tham gia giải quyết định kiến giới và thúc đẩy bình đẳng giới” do Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ thông qua Oxfam Vietnam, được RED triển khai trong bốn năm từ tháng 4/2020 đến tháng 3/2024 tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM với mục tiêu là thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam thông qua tăng cường sự tham gia của thanh niên trong việc thay đổi các định kiến giới.
Tại diễn đàn, các khách mời đã mạnh dạn chia sẻ những góc nhìn, kinh nghiệm của mạng lưới chủ chốt 3 bên (Thanh niên/Sinh viên – Marketer – Nhà báo). Từ đó, đề xuất những giải pháp để thúc đẩy bình đẳng giới trong 3 lĩnh vực được coi là có tác động truyền thông lớn nhất đến xã hội: Giáo dục, Báo chí & Quảng cáo, Marketing.
Phụ nữ thể hiện bản lĩnh, tự tin
Từ xưa đến nay, phụ nữ bao giờ cũng là một lực lượng quan trọng và đông đảo trong đội ngũ những người lao động tạo dựng nên xã hội. Phụ nữ thể hiện vai trò quan trọng của mình trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong suốt chiều dài lịch sử, phụ nữ Việt Nam đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước ngàn năm văn hiến, tạo dựng nên truyền thống bản sắc của người Việt nói chung và truyền thống riêng của phụ nữ Việt Nam “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.
Tiếp nối truyền thống đó, trong xu thế hội nhập và phát triển của đất nước, phụ nữ Việt Nam tiếp tục vượt qua mọi thành kiến và thử thách, vươn lên đóng góp tích cực vào các hoạt động xã hội, duy trì ảnh hưởng của mình trên nhiều lĩnh vực như: tham gia quản lý nhà nước, tham gia xóa đói giảm nghèo, xây dựng gia đình no ấm hạnh phúc, tham gia phòng chống tệ nạn xã hội, tham gia hoạt động đối ngoại… Ngày càng có nhiều phụ nữ trở thành chính trị gia, nhà khoa học nổi tiếng, nhà quản lý năng động…
Theo số liệu của Tổng cục thống kê 2020 , ở Việt Nam, tỷ lệ đại biểu quốc hội là nữ chiếm 30.26% (trung bình toàn cầu là 25.5%, xếp thứ 51 trên toàn cầu và thứ 4 ở Châu Á); Tỷ lệ nữ nắm giữ các vị trí cấp cao trong doanh nghiệp là 39% (toàn cầu 31%, khu vực 38%); Tỷ lệ đại biểu nữ Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021 – 2026 là 29%.; Tỷ lệ đại biểu nữ Hội đồng nhân dân cấp huyện nhiệm kỳ 2021 - 2026 chiếm 29.1%; Tỷ lệ đại biểu nữ Hội đồng nhân dân cấp xã nhiệm kỳ 2021 – 2026 là 29%... Tuy hầu hết các cơ quan lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước ở các cấp đều có tỷ lệ nam giới cao hơn, song chất lượng, hiệu quả, uy tín của cán bộ nữ đã ngày càng chứng tỏ nỗ lực cá nhân phụ nữ.
TS. Nguyễn Nữ Nguyệt Anh -Trưởng khoa Xã hội học, Trường Đại học KHXH&NV – ĐHQG TP.HCM
TS. Nguyễn Nữ Nguyệt Anh -Trưởng khoa Xã hội học, Trường Đại học KHXH&NV – ĐHQG TP.HCM chia sẻ, thực tế cho thấy vị trí lãnh đạo, quản lý luôn có tỷ lệ nam giới cao hơn nữ giới. Một trong những nguyên nhân là sự khác biệt về mặt sinh học tạo ra rào cản. So với nam giới, phụ nữ phải sinh con, gián đoạn thời gian về học tập, công việc... Nếu phụ nữ không cân bằng được về phía cạnh gia đình, học tập và công việc thì đứng trước nguy cơ đổ vỡ hôn nhân rất cao. Do vậy họ cần lắm sự hỗ trợ tích cực từ phía gia đình và xã hội.
“Đóng khung” nam và nữ ở trong khuôn mẫu truyền thống
Hiện nay, những nhận thức, thái độ và đánh giá thiên lệch, tiêu cực về đặc điểm, vị trí, vai trò và năng lực của nam hoặc nữ hoặc giới khác, định sẵn cho nam và nữ những chuẩn mực buộc nam và nữ tuân theo.
TS. Lê Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển Cộng đồng chia sẻ thêm, trên truyền thông, tỷ lệ nữ lãnh đạo được phỏng vấn trong các lĩnh vực như kinh tế, quân sự, an ninh, ngân sách…chiếm tỉ lệ rất thấp.
Khi mô tả phụ nữ, người ta thường “phi thường” hóa vai trò của họ. Phụ nữ là phải “đảm việc nước, giỏi việc nhà”.
Khi nói đến vai trò lãnh đạo người ta thường hay dựa vào giới tính, định kiến việc nam giới làm chính trị gia và lãnh đạo doanh nghiệp tốt hơn phụ nữ. Phụ nữ lãnh đạo thì sẽ cảm tính, ảnh hưởng đến chất lượng công việc… Thể hiện rõ ở chỗ hình ảnh nữ lãnh đạo ít khi xuất hiện trong các vấn đề Khoa học kĩ thuật; Quốc phòng/An ninh trật tự; bất động sản; Kinh tế vĩ mô; Quan hệ đối ngoại, vấn đề quốc tế. Hình ảnh của họ thường gắn với các vấn đề về Trẻ em/gia đình; Quyền phụ nữ; Y tế; Xoá đói giảm nghèo; hay Người cao tuổi.
Chuyên gia Marketing, anh Ân Đặng – Head of HCMC Branch Omega Media Worldwide chia sẻ, quảng cáo có vai trò cơ bản là khiến cho khách hàng muốn mua sản phẩm mà họ được giới thiệu. Tuy nhiên, thứ mà quảng cáo bán không chỉ là sản phẩm của họ mà còn là “lối sống và ước mơ”. Do đó, lựa chọn hình ảnh phù hợp để tạo sự quan tâm của công chúng. Quảng cáo sẽ thể hiện những khuôn mẫu phổ biến và được số đông theo đuổi trong xã hội Việt Nam
Truyền thông và quảng cáo đang “đóng khung” nam và nữ ở khuôn mẫu truyền thống. Trong số tất cả các quảng cáo có phụ nữ, 3/4 là dành cho các sản phẩm nhà bếp và nhà tắm.. Phụ nữ sẽ xuất hiện trong vai trò như người nấu ăn cho gia đình, người chăm sóc, dạy bảo con cái, người chăm sóc các thành viên trong gia đình, phụ trách công việc nhà… Còn nam giới sẽ gắn chặt với hình ảnh người thành công, mạnh mẽ, người có công việc ổn định, người lãnh đạo…
Những người làm về lĩnh vực quảng cáo, truyền thông không phải là không biết họ làm chưa đúng. Nhưng có quá nhiều lý do khiến họ lựa chọn cách làm như vậy để tạo được sự quan tâm của khách hàng. Cho dù người làm truyền thông, quảng cáo vô cùng nhạy cảm về những định kiến giới tuy nhiên sống trong xã hội mà sự chấp nhận và đồng thuận của cộng đồng mà không có phản ứng về định kiến giới. Khách hàng là người quyết định sự thành công của họ.
Chuyên gia Marketing, anh Ân Đặng – Head of HCMC Branch Omega Media Worldwide chia sẻ
Góc nhìn của xã hội đã có sự thay đổi, đồng nghĩa với insight của khách hàng đã có sự thay đổi. Có những đơn vị đang có sự thay đổi tích cực, chú trọng lồng ghép vấn đề, đưa ra các thông điệp về bình đẳng giới, qua đó góp phần định hướng và xóa bỏ những định kiến về giới. Và thực tế đã chứng minh rằng sự chuyển mình này hoàn toàn có thể mang lại lợi ích cho nhãn hàng.
Tại chương trình, khách tham dự đưa ra một số giải pháp để thúc đẩy bình đẳng giới như: Tập huấn, đào tạo ngắn hạn cho nhà báo về bình đẳng giới; Đưa nội dung bình đẳng giới và xóa bỏ định kiến giới về vai trò lãnh đạo vào chương trình; Đưa nội dung chống phân biệt đối xử và định kiến giới vào cẩm nang nghề báo hoặc bộ qui tắc tác nghiệp của nhà báo; Tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp lý về đảm bảo bình đẳng giới trong truyền thông; Bổ sung qui định và chế tài quản lý đối với các sản phẩm truyền thông có nhạy cảm giới trên mạng xã hội.
Kim Lan
Taichinhthuonghieu.com
Cập nhật thông tin về tài chính thương hiệu.
Ghi rõ nguồn :Taichinhthuonghieu.com khi phát hành lại thông tin từ website này
.