Công dụng của quả na không chỉ khi cho trái chín thơm ngon. Quả na chín được dùng với tác dụng bồi bổ cơ thể. Trong khi đó, quả na điếc dùng trị mụn nhọt ở vú, chữa ho, viêm họng...
Năm nào cũng vậy, na chỉ xuất hiện đúng một lần trong năm đó là vào cuối tháng 8, đầu tháng 9, kéo dài trong 1-2 tháng, hiếm khi kéo dài tới đầu Đông. Na là loại quả "vạn người mê" vì là loại quả quê, sạch sẽ, an toàn và ngọt mềm phù hợp với vị giác của đông đảo người Việt.
Cây na cao cỡ 2- 5 m, lá mọc xen ở hai hàng, hoa xanh, quả tròn có nhiều múi (hoặc nhiều người quen gọi là mắt), thịt quả trắng. Hạt na màu đen, có vỏ cứng, chứa độc tố, có tính làm bỏng da và có thể trừ sâu bọ, chấy rận.
Về dinh dưỡng, quả na có chứa carbohydrate trong đó giàu chất xơ hòa tan, protein, lượng nhỏ chất béo, vitamin C, vitamin B6, kali, riboflavin, thiamine, folate, niacin, axit pantothenic, mangan, magie, đồng, phospho, sắt. 100g thịt quả na cung cấp cho cơ thể khoảng 70-80 calo.
Lợi ích của quả na đến từ hàm lượng chất chống oxy hóa, chất xơ và vi chất dinh dưỡng. Nó có các đặc tính chống viêm và các chất dinh dưỡng quan trọng đối với sức khỏe tim mạch, tiêu hóa và nhận thức.
Quả Na chứa một số hợp chất giúp tăng cường sức khỏe tim mạch.Theo đó, tiến sĩ, lương y Phùng Tuấn Giang, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Phát triển Y Dược Cổ truyền Việt Nam cho biết quả na có chứa các hợp chất chống oxy hóa như flavonoid, carotenoid, vitamin C và axit kaurenoic có thể giúp chống lại stress oxy hóa giúp giảm tỷ lệ tử vong do tim mạch và giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch. Chúng cũng có tác dụng chống viêm và chống chất gây ung thư.
Ngoài ra, na là một nguồn cung cấp chất xơ hòa tan tốt, vì vậy nó có thể hỗ trợ các vấn đề về tiêu hóa và khiến chúng ta cảm thấy no lâu hơn, chống táo bón và làm sạch đại tràng một cách tự nhiên.
“Rất nhiều nghiên cứu chỉ ra chất xơ là thành phần quan trọng trong chế độ ăn uống lành mạnh. Ngoài ra, chất xơ được tìm thấy trong quả na có thể lên men và giúp cải thiện hệ vi khuẩn có lợi ở đường tiêu hóa. Chúng ta biết rằng tiêu thụ chất xơ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2, bệnh tim mạch, ung thư đại tràng và kiểm soát cân nặng”, TS Phùng Tuấn Giang bày tỏ.
Ngoài ra, na chứa một số hợp chất chống viêm, chẳng hạn axit kaurenoic. Trên nghiên cứu in vivo, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng axit kaurenoic giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh viêm đại tràng, bao gồm tổn thương niêm mạc và thâm nhiễm tế bào viêm.
Na cũng chứa carotenoid và flavonoid chống viêm giúp tăng cường sức khỏe tổng thể và giảm nguy cơ mắc bệnh mạn tính.
TS Phùng Tuấn Giang cũng nhấn mạnh không phải cam, ổi mới chứa vitamin C mà na cung cấp vitamin C, một chất dinh dưỡng có liên quan đến chức năng hệ thống miễn dịch. Cung cấp đủ vitamin C giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng và nhiều bệnh tật. Các nghiên cứu cho thấy thiếu vitamin C có thể gây suy giảm khả năng miễn dịch và dễ bị nhiễm trùng hơn.
Quả na có chứa lutein, có thể giúp hỗ trợ sức khỏe của mắt. Lutein có đặc tính chống viêm, giúp ngăn ngừa thoái hóa hoàng điểm do tuổi tác, nguyên nhân hàng đầu gây mù và suy giảm thị lực.
Lutein cũng có thể giúp giảm mỏi mắt, chói và nhạy cảm với ánh sáng. Đặc biệt giúp tăng cường thị lực, giúp mắt nhìn sắc nét hơn.
Cần phải ăn đúng cách để đạt lợi ích tối đa đặt tránh những tác dụng không mong muốn.Quả na là một nguồn cung cấp vitamin B6 dồi dào, giúp duy trì mạch máu khỏe mạnh, hỗ trợ chức năng não, điều chỉnh chu kỳ giấc ngủ và giảm huyết áp.
"Các nghiên cứu cho thấy thiếu hụt vitamin B6 có thể gây ra các vấn đề về chức năng trí nhớ và sức khỏe nhận thức. Duy trì mức vitamin B6 bình thường cũng rất quan trọng đối với tâm trạng và khả năng tập trung của chúng ta”, TS Phùng Tuấn Giang thông tin.
Đặc biệt, na chứa một số hợp chất giúp tăng cường sức khỏe tim mạch bao gồm các chất chống oxy hóa như carotenoid, vi chất dinh dưỡng như kali và magie và chất xơ.
Nghiên cứu cho thấy rằng kali giúp làm giảm huyết áp cao ở những người bị bệnh tăng huyết áp và giảm nguy cơ đột quỵ.
Tuy na có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe, TS Phùng Tuấn Giang nhấn mạnh cần phải ăn đúng cách để đạt lợi ích tối đa đặt tránh những tác dụng không mong muốn.
Theo đó, người dân không nên ăn quả na vỏ có nhiều vẩy trắng, nhiều vết nứt nẻ, bị chảy nước. Những quả na này thường bị ủng thối, có giòi.
Ngoài ra, Đông y còn sử dụng na như một nguyên liệu để chữa bệnh. Theo lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội), trong Đông y, quả na có vị ngọt, hơi chua, tính ẩm. Có tác dụng chữa đái tháo, tiêu khát, nhọt vú… Rất tốt cho người cao tuổi, người mới ốm dậy và phụ nữ sau sinh...
Quả na rất giàu canxi, magiê, sắt, niacin và kali, giàu chất chống oxy hóa.Na có tên khác là mãng cầu (Annona squamosa), phan lệ chi, mác kiếp. Na có mùi vị thơm ngon đặc biệt, nhất là na dai.
- Lá na giã nát cùng với lá bồ công anh, đắp chữa sưng vú; nếu thêm lá ớt, lá táo, lá từ vi lại chữa mụn nhọt có mủ, đầu đinh. Lá na (10-20g) rửa sạch, giã nát, thêm nước, vắt lấy nước đem phơi sương một đêm, rồi thêm ít rượu mà uống trước khi lên cơn sốt rét khoảng hai giờ. Dùng riêng hoặc phối hợp với ngải cứu (10g), thạch xương bồ (8g), sắc uống. Dùng 5-7 ngày.
- Rễ na cũng chữa sốt rét. Khi dùng, lấy 50g rễ na sắc uống với 30g rễ và lá cây ngâu rừng, 30g rễ xoan rừng.
- Quả na ương (chín nửa chừng) thái nhỏ, bỏ hạt, sắc uống chữa kiết lỵ. Quả na chín chứa 14,5% đường glucose, 1,7% saccharose, protid nên được dùng với tác dụng bổ dưỡng.
- Quả na đang lớn bị một loài nấm làm hỏng, tự khô xác có mầu nâu đỏ tím được gọi là quả na điếc hay sa lê, là một vị thuốc được dùng theo kinh nghiệm dân gian:
- Chữa ho, viêm họng: Quả na điếc (50g), nhân hạt gấc (20g), sinh địa (50g), rễ xạ can (30g), cam thảo dây (25g), lá bạc hà (50g), lá chanh (25g), lá táo (25g). Tất cả phơi khô (riêng quả na điếc đốt tồn tính), giã nhỏ, tán bột, rồi trộn với 150g đường đã nấu thành sirô để làm viên, mỗi viên 0,5g. Người lớn: ngày uống 6-8 viên, chia làm hai lần; trẻ em: 3-6 viên. Dùng 3-5 ngày.
- Chữa sốt rét: Quả na điếc (40g), giun khoang cổ (80g), phèn phi (20g). Quả na điếc đập vỡ vụn, tẩm rượu, sao vàng. Giun lộn trái, rửa sạch, tẩy bằng rượu, phơi khô, sao vàng. Hai thứ trộn với phèn phi, tán bột mịn và luyện với nước tỏi làm viên bằng hạt đỗ xanh. Người lớn: Ngày uống hai lần, mỗi lần 10 viên.
- Chữa nhọt ở vú: Quả na điếc phơi thật khô, tán thành bột, rồi hòa với giấm, bôi nhiêu lần trong ngày.
- Chữa tiêu chảy, kiết lỵ: Quả na điếc (20g, đốt tồn tính), cỏ lào (ngọn non, 50g), gạo tẻ (30g, rang thật vàng). Tất cả sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm ba lần trong ngày.
- Hạt na giã nhỏ, ngâm rượu, ngậm nhổ nước chữa đau nhức răng. Dùng dung dịch rượu hạt na chấm vào chân tóc, giữ 15 phút, rồi gội đầu để trừ chấy. Không để dung dịch hạt na bắn vào mắt, có thể gây hỏng mắt. Nước sắc hạt na cũng diệt được chấy.
Chú ý: Hạt na có độc, không được uống. Nhưng nếu khi ăn quả na, sơ ý nuốt phải hạt thì không sao, vì hạt na có vỏ dày và rất cứng bao bọc, ngăn không cho nhân hạt tác dụng với môi trường nên không gây độc.
Theo các chuyên gia, hạt na rất độc, thậm chí có thể gây ngộ độc đường tiêu hóa nếu nuốt phải, độc tố trong hạt na nếu bị dính vào mắt không chỉ gây bỏng mắt, bỏng biểu mô giác mạc, mà nếu sơ cứu, chữa trị không đúng dễ gây viêm loét giác mạc, dẫn đến mù lòa vĩnh viễn...
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) khuyến cáo mọi người tuyệt đối không được ăn hạt na. Đặc biệt không nên sử dụng loại hạt này để nhuộm răng, ngâm quần áo để diệt rận,…
Theo PGS.TS Thịnh, hạt na có thể gây hại cho người. Tuy nhiên nếu lỡ sơ ý nuốt phải hạt na, bạn không cần quá lo sợ vì hạt na có vỏ dày và rất cứng, ngăn không cho độc tố phát huy tác dụng và sẽ được đào thải ra cùng phân nên thường không gây hại cho cơ thể.
Dược sĩ ĐỖ HUY BÍCH (theo khoahoc.tv)