Theo NIST, các mô hình triển khai của các đám mây bao gồm: đám mây riêng, đám mây cộng đồng, đám mây công cộng và đám mây lai.
Đám mây riêng (Private Cloud): Cơ sở hạ tầng đám mây được cung cấp để sử dụng độc quyền bởi một tổ chức bao gồm nhiều người sử dụng khác nhau (ví dụ: các đơn vị kinh doanh). Nó có thể được sở hữu, quản lý và vận hành bởi tổ chức, bên thứ ba hoặc hỗn hợp và nó có thể tồn tại bên trong hoặc ngoài khuôn viên của tổ chức.
Đám mây cộng đồng (Community Cloud). Cơ sở hạ tầng đám mây được cung cấp để sử dụng độc quyền bởi một cộng đồng người tiêu dùng cụ thể từ các tổ chức có chung mối quan tâm (ví dụ: nhiệm vụ, yêu cầu bảo mật, chính sách và cân nhắc tuân thủ). Nó có thể được sở hữu, quản lý và vận hành bởi một hoặc nhiều tổ chức trong cộng đồng, bên thứ ba hoặc một số tổ hợp của họ và nó có thể tồn tại trong hoặc ngoài các tổ chức.
Đám mây công cộng (Public Cloud). Cơ sở hạ tầng đám mây được cung cấp để sử dụng mở bởi công chúng. Nó có thể được sở hữu, quản lý và vận hành bởi một tổ chức kinh doanh, các cơ sở học thuật hoặc chính phủ hoặc một kết hợp giữa các tồ chức này. Nó tồn tại trong khuôn viên của nhà cung cấp đám mây.
Đám mây lai (Hybrid Cloud). Cơ sở hạ tầng đám mây là một thành phần của hai hoặc nhiều cơ sở hạ tầng đám mây khác nhau (riêng, cộng đồng hoặc công cộng) vẫn là thực thể duy nhất, nhưng bị ràng buộc với nhau bởi công nghệ được tiêu chuẩn hóa hoặc độc quyền cho phép dữ liệu và khả năng tương thích.
Các công ty hay doanh nghiệp có thể ứng dụng và triển khai một, hai hoặc tất cả các mô hình trên tùy vào mục đích và yêu cầu công việc. Từng mô hình triển khai sẽ có các ưu điểm khác nhau.
Đầu tiên, ưu điểm chính của việc tận dụng đám mây riêng là chạy đám mây cục bộ. Một số người tin rằng điều này giúp các doanh nghiệp bảo mật tốt hơn so với các đám mây công cộng và lai còn lại. Tuy nhiên, việc sở hữu phần cứng và phần mềm riêng có nghĩa là daonh nghiệp không nhận được giá trị của việc tận dụng các đám mây công cộng hoặc lai.
Nói về các đám mây công cộng, chúng được chạy trên internet mở. Bạn thậm chí có thể không biết ứng dụng và dữ liệu của bạn nằm ở đâu. Một số người lại cho rằng việc sử dụng đám mây công cộng thường ít an toàn. Tuy nhiên, các đám mây công cộng không yêu cầu bạn mua phần cứng hoặc phần mềm và bạn không phải cung cấp không gian trung tâm dữ liệu để duy trì các hệ thống này. Do đó, việc tận dụng các đám mây công cộng góp phần giúp công ty hoặc doanh nghiệp tiết kiệm chi phí vốn phải bỏ ra mà vẫn đạt được những hiệu quả mong đợi nhất định.
Cuối cùng, các đám mây lai có thể cung cấp phiên bản tốt nhất của cả đám mây riêng và đám mây công cộng. Vì bạn có hai mô hình triển khai đám mây được ghép với nhau, nên bạn có thể tận dụng một trong hai mô hình này để đáp ứng nhu cầu của khối lượng công việc.
Tóm lại, trong một số trường hợp, tùy thuộc và khối lượng công việc mà chúng ta có thể linh động sử dụng các đám mây hình thức triển khai khác nhau để tối đa hóa giá trị việc tận dụng các nền tảng đám mây. Việc bạn chọn mô hình triển khai đám mây nào phù hợp nhất cho mục đích của bạn thực sự phụ thuộc vào yêu cầu riêng của bạn. Một phần của quá trình di chuyển lên đám mây này là việc hiểu được các đặc điểm khối lượng công việc của bạn và chọn loại đám mây chính xác với các khối lượng công việc đó.
Hãy tìm hiểu kỹ hơn về mô hình này cùng những kiến thức chuyên môn hữu ích về điện toán đám mây tại chuyên đề “Cloud - Giới thiệu về điện toán đám mây”, được hướng dẫn bởi ông Nguyễn Tiến Huy - Giám đốc điều hành DigiPencil MVV.
Box:
“Cloud - Giới thiệu về điện toán đám mây” là một trong 20 chuyên đề thuộc chương trình đào tạo trực tuyến của Trung tâm Hỗ trợ DNNVV phía Bắc (thuộc Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Chương trình được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí. Tìm hiểu thêm về các chuyên đề và đăng ký tham dự miễn phí tại đây: https://vietnamsme.gov.vn/elearning/
Thảo An
Taichinhthuonghieu.com
Cập nhật thông tin về tài chính thương hiệu.
Ghi rõ nguồn :Taichinhthuonghieu.com khi phát hành lại thông tin từ website này
.