taichinhthuonghieu11.200

Vốn ngoại vào bất động sản tăng mạnh

Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), vốn FDI được giải ngân tại Việt Nam trong hoạt động kinh doanh bất động sản năm 2024 đạt 1,84 tỷ USD, tăng 60% so với năm 2023.

Cụ thể, tính đến ngày 31/12/2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt 38,23 tỷ USD. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 3,72 tỷ USD, chiếm 18,8% tổng vốn đăng ký cấp mới.

Vốn FDI vào bất động sản tiếp tục tăng mạnh.

Vốn FDI chảy mạnh vào bất động sản

Trong số 80 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam năm 2024, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 6,26 tỷ USD, chiếm 31,7% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hàn Quốc 2,89 tỷ USD, chiếm 14,6%; Trung Quốc 2,84 tỷ USD, chiếm 14,4%; Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) 2,17 tỷ USD, chiếm 11,0%.

Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn FDI đăng ký vào hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 5,09 tỷ USD, chiếm 15,1% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm.

Bên cạnh đó, đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,22 tỷ USD, chiếm 26,8% giá trị góp vốn.

Như vậy, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản tại Việt Nam trong năm qua đạt khoảng 6,31 tỷ USD.

Báo cáo hồi quý III/2024 của Hội môi giới bất động sản Việt Nam cũng cho thấy trong vòng 1 năm từ tháng 9/2023 đến tháng 9/2024, tổng số vốn M&A vào lĩnh vực bất động sản đạt 3,2 tỷ đô la Mỹ tăng 45,9%, đứng thứ 2 trong số 6 nước Đông Nam Á (Indonesia, Malaysia, Singapore, Philippine và Thái Lan).

Theo các chuyên gia, dòng vốn FDI trong lĩnh vực bất động sản tăng mạnh thường bắt nguồn từ nhiều yếu tố khác nhau, cả trong nước lẫn quốc tế. Nhưng đã thể hiện sự hấp dẫn của thị trường bất động sản Việt Nam, do tốc độ đô thị hóa cao, tầng lớp trung lưu tăng trưởng mạnh... mang đến tiềm năng lớn cho thị trường nhờ khả năng sinh lợi và an toàn cao.

Đồng thời, xu hướng mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp lớn và vốn FDI vào Việt Nam tăng mạnh... khiến nhà đầu tư nước ngoài ngày càng quan tâm đến bất động sản Việt Nam.

Bất động sản công nghiệp duy trì sức hút

Đưa ra nhận định về xu hướng của dòng vốn này trong năm 2025, ông David Jackson, Tổng Giám đốc Avison Young Việt Nam cho rằng nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng ưu tiên tham gia vào giai đoạn đầu của dự án; hoặc đất công nghiệp đã được đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh để sau đó sẵn sàng triển khai khu công nghiệp hoặc nhà máy, nhà xưởng.

Bất động sản công nghiệp tiếp tục là điểm sáng.

Những địa phương hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài thường có thế mạnh về công nghiệp và hạ tầng, như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An ở phía Nam và Hải Phòng, Bắc Ninh, Quảng Ninh ở phía Bắc.

Trong khi đó, theo bà Nguyễn Lê Dung - Trưởng bộ phận Môi giới và Đầu tư, Savills Hà Nội các phân khúc được các nhà đầu tư chú ý nhiều nhất gồm nhà ở, công nghiệp và thương mại.

Trong đó, loại hình nhà ở tiếp tục thu hút nhiều sự quan tâm do việc đô thị hóa cùng nhu cầu về nhà ở tăng cao trong các thành phố lớn tại Việt Nam. Nguồn cung các dự án mới được ghi nhận ở mức thấp do hạn chế về pháp lý đã làm phân khúc này luôn nhận được sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Với bất động sản công nghiệp, sự phát triển mạnh mẽ của ngành sản xuất tại Việt Nam đã khiến loại hình này trở nên hấp dẫn. Sự gia tăng của bất động sản công nghiệp này được thúc đẩy bởi sự hiện diện của nhiều quỹ đầu tư và chủ đầu tư nước ngoài, tập trung vào các dự án nhà kho và xưởng hạng A, đáp ứng tiêu chuẩn và chất lượng cao trên thị trường.

Theo chuyên gia của Savill, nhà đầu tư hiện nay có xu hướng ưu tiên các doanh nghiệp tư nhân hơn, nhờ vào tính linh hoạt và khả năng thích ứng nhanh trong vận hành.

“Tuy nhiên, các nhà đầu tư đặc biệt chú trọng đến các dự án có khả năng phát triển bền vững và đáp ứng đúng nhu cầu thị trường hiện tại để gia tăng chất lượng sản phẩm và trải nghiệm của người tiêu dùng. Ngoài ra, vấn đề pháp lý sẽ được ưu tiên do ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ thực hiện dự án, cấu trúc giao dịch và kế hoạch tài chính”, bà Nguyễn Lê Dung cho hay.

 

Theo Diễn đàn doanh nghiệp
In bài viết
img2300x243img1300x250
BÀI VIẾT MỚI CẬP NHẬT
Kết nối với chúng tôi

Taichinhthuonghieu.com

Cập nhật thông tin về tài chính thương hiệu.

Ghi rõ nguồn :Taichinhthuonghieu.com khi phát hành lại thông tin từ website này

 


.