Theo Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, tháng 7, tiêu thụ xi măng chỉ đạt khoảng 5,95 triệu tấn, giảm khoảng 27% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tiêu thụ nội địa khoảng 4,85 triệu tấn, xuất khẩu đạt khoảng 1,1 triệu tấn.
Lũy kế 7 tháng năm, bán hàng xi măng của cả nước đạt khoảng 55 triệu tấn, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2021. Tiêu thụ trong nước khoảng 36,8 triệu tấn, giảm 3% so với cùng kỳ.7 tháng đầu năm nay, tiêu thụ xi măng giảm do thị trường nội địa ảm đạm, gánh nặng tiêu thụ đè lên xuất khẩu, nhưng kênh bán hàng này cũng không như ý do một số thị trường trọng điểm giảm nhập khẩu.
Xuất khẩu xi măng trong giai đoạn này ở mức 18,15 triệu tấn, giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc và Philippines là hai thị trường nhập khẩu chính xi măng và clinker của Việt Nam đều sụt giảm trong nửa đầu năm nay. Chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc làm suy yếu thị trường bất động sản nước này, nhu cầu tiêu thụ yếu. Với thị trường Philippines, chính sách bảo hộ sản xuất xi măng bằng áp thuế chống bán phá giá với hàng từ Việt Nam khiến xuất khẩu sang thị trường này cũng giảm. Hơn nữa, xi măng, clinker từ các nguồn cung dư thừa tại khu vực Trung Đông (UAE, Iran, Pakistan), ASEAN (Indonesia, Thái Lan) cạnh tranh gay gắt về giá.
Xuất khẩu suy yếu, bán hàng trong nước chậm chạp do giá xi măng tăng cao. Ảnh: Hội VLXD Việt Nam |
Dẫn số liệu của Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho biết, tồn kho xi măng của toàn ngành từ đầu năm đến nay khoảng 5,9 triệu tấn, tương đương từ 25 đến 30 ngày sản xuất, chủ yếu là clinker.
Cuối tháng 6, giá bán xi măng trong nước tăng 60.000 - 80.000 đồng/tấn tùy chủng loại, tùy thương hiệu do giá than tăng. Kênh xuất khẩu giảm vì vận tải hàng hải gián đoạn và thị trường Trung Quốc hạn chế mở cửa.
Để đối phó với chi phí đầu vào tăng cao, các doanh nghiệp sản xuất xi măng đã tăng giá 3 lần từ đầu năm với tổng mức giá tăng từ 220.000 - 270.000 đồng/tấn nhưng vẫn khó cân đối.
Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam đề cập xuất khẩu suy yếu, bán hàng trong nước chậm do giá xi măng tăng cao dẫn đến tình trạng dư cung trầm trọng, đặc biệt tại khu vực miền Bắc. Sắp tới, một số nhà máy xi măng có thể phải đàm phán với nhà phân phối để giảm giá nhiều hơn nhằm giải phóng hàng tồn. Đối diện thua lỗ và dừng sản xuất là tình trạng đang xảy ra ở một số nhà máy xi măng, nhất là với những dây chuyền cũ, công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều nguyên, nhiên liệu.
Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết thêm hiện nhu cầu xi măng trong nước không tăng do ảnh hưởng của giá cả vật liệu xây dựng như: thép, gạch, cát, đá… tăng làm giãn, hoãn tiến độ các dự án đầu tư xây dựng dẫn đến cạnh tranh ngày càng quyết liệt giữa các thương hiệu xi măng trong nước.