Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, ngày 19/8, Bộ Nông nghiệp, Thủy sản và Lâm nghiệp Australia thông báo bổ sung sản phẩm tôm tẩm bột (breaded, battered, or crumbed) và tôm siêu chế biến chưa được làm chín (highly processed) vào danh sách các mặt hàng được hưởng ưu đãi theo Chương trình can thiệp ưu đãi (CBIS). Đây là cơ chế dành ưu đãi cho hàng hóa là thực vật nhập khẩu vào Australia được hưởng tỷ lệ kiểm tra an toàn sinh học ít hơn.
Theo đó từ ngày 22/8, tôm tẩm bột và tôm siêu chế biến chưa làm chín từ tất cả các nước được phê duyệt sẽ được hưởng các ưu đãi CBIS. Các sản phẩm này sẽ được ưu đãi dựa vào lịch sử tuân thủ các quy định về an toàn sinh học và tỷ lệ kiểm tra xác suất rủi ro của Chính phủ Australia. Đây là cơ chế ưu đãi cho hàng hóa là thực vật nhập khẩu vào Australia và có tỷ lệ kiểm tra an toàn sinh hoạt ít hơn.
Với sản phẩm tôm tẩm bột, thay vì 100% các lô hàng phải kiểm tra nguyên niêm phong để xác minh hàng hóa thì từ 22/8, cơ quan thẩm quyền chỉ kiểm tra một phần các lô hàng còn nguyên niêm phong. Với mặt hàng tôm siêu chế biến chưa làm chín, thay vì 25% số lô hàng phải kiểm tra để xác minh hàng hóa, chỉ một phần nhỏ hơn các lô hàng phải đưa đi kiểm tra.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Tỷ lệ kiểm tra này sẽ tăng lên nếu phát hiện các lô hàng tôm trên không tuân thủ quy định về an toàn sinh học trong quá trình kiểm tra, xác minh đánh giá hàng hoặc trong quá trình đánh giá tài liệu. Sau một thời gian tuân thủ theo các quy định, các lô hàng sau đó sẽ đủ tiêu chuẩn để giảm tỷ lệ phải can thiệp để kiểm tra. Thay đổi này sẽ không ảnh hưởng tới các lô hàng đã có trong Hệ thống Hàng hóa Tích hợp (ICS) hoặc phần mềm của bên thứ ba.
Theo thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 7 tháng đầu năm, Astralia là thị trường xuất khẩu tôm quan trọng và lớn thứ hai trong khối thị trường tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Tổng giá trị xuất khẩu tôm sang Australia trong 7 tháng đạt 162,7 triệu USD, tăng 53% so với cùng kỳ năm trước.
Các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt đang xuất khẩu các sản phẩm tôm chân trắng đông lạnh hoặc chế biến sang thị trường này như: tôm chân trắng bỏ đầu bỏ đuôi PD tươi đông lạnh, tôm chân trắng bỏ đầu còn đuôi PDTO tươi đông lạnh, tôm chân trắng PD IQF đông lạnh…
Với các hiệp định thương mại tự do đa phương với Australia, đặc biệt là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực kể từ đầu năm nay, tôm Việt Nam đang cạnh tranh tốt nhờ lộ trình giảm thuế.
Theo số liệu của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), nửa đầu năm nay, Việt Nam là thị trường cung tôm lớn nhất của Australia, chiếm 76% tổng giá trị NK tôm của thị trường này. Thái Lan đứng thứ hai với thị phần 11,6%, tiếp đó là Trung Quốc chiếm 6,4%.
Giá trung bình nhập khẩu tôm của Australia từ Việt Nam tương đương với giá nhập khẩu trung bình của nước này khoảng 11 USD/kg; Thái Lan ở mức 9,5 USD và Trung Quốc dao động từ 8,5 - 9,54 USD/kg.
Ngoài Thái Lan, tôm Việt Nam cũng đang bị cạnh tranh mạnh từ các nguồn cung xuất khẩu tôm ở ASEAN như: Malaysia, Philippines, Myanmar.
Bộ Thương mại và Công nghiệp Philippines (DTI) cho biết, mới đây hồi cuối tháng 5, Philippnes bắt đầu xuất khẩu lô hàng đầu tiên gồm 20 container tôm chân trắng bóc vỏ nấu chín (RPD) sang Autralia. Các lô hàng tiếp theo cập cảng Melbourne vào tháng 6 và tháng 7. Các nhà xuất khẩu tôm Philippines đặt nhiều tham vọng vào việc phát triển thị phần tại thị trường Australia trong năm nay.