Năm 2021, Việt Nam tiêu thụ hơn 8,5 tỷ gói, đứng thứ ba thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Indonesia, theo Hiệp hội mỳ ăn liền thế giới. Đứng thứ ba nhưng nếu xét về tốc độ tăng trưởng, không thị trường nào trong top 10 vượt được Việt Nam. Vị thế trên "bản đồ" mỳ gói càng được củng cố khi Việt Nam đã vượt Hàn Quốc để trở thành thị trường tiêu thụ mỳ ăn liền tính trên đầu người cao nhất thế giới. Trung bình, mỗi người dùng 87 gói trong một năm.
Mỳ ăn liền trở thành miếng bánh hấp dẫn trong ngành hàng thực phẩm tiện lợi, kể cả trong giai đoạn kinh tế gặp khó khăn do đại dịch. Kết quả này cũng được phản ánh từ con số doanh thu hàng nghìn tỷ đồng của những doanh nghiệp đứng đầu.
Ngoài sự vươn lên của những nhà sản xuất Hàn Quốc gần đây, thị trường thực tế vẫn được "thống trị" bởi những tên tuổi như Vina Acecook, Masan, Asia Food hay Uniben, chiếm khoảng 70% thị phần.
Đứng đầu về quy mô doanh thu hiện nay là Acecook, thành viên của Tập đoàn Acecook Nhật Bản. Acecook Việt Nam là một trong những nhà sản xuất có mặt sớm nhất trên thị trường, được thành lập từ năm 1993 và bắt đầu sản xuất kinh doanh từ năm 1995.
Gây dựng danh tiếng với thương hiệu "Hảo hảo", Acecook nhanh chóng thâu tóm phần lớn "miếng bánh" mỳ ăn liền nhờ đi trước và chiến lược marketing phủ rộng. Có thời điểm nhà sản xuất này chiếm quá nửa thị phần toàn thị trường.
Doanh thu của Acecook cũng tăng liên tục. Nhà sản xuất này lần đầu cán mốc doanh thu 10.000 tỷ vào năm 2019 và tăng 15% hai năm sau đó, đạt hơn 12.200 tỷ vào năm 2021. Dù vậy, nếu so sánh tốc độ tăng 20% trong giai đoạn 2017-2019, con số tăng trưởng của Acecook đã có phần thu hẹp. Kết quả này đến từ sự bám đuổi của những nhà sản xuất mới và những đối thủ ngay phía sau, như Masan hay nhóm Asia Food.
Thương hiệu mỳ ăn liền Hảo Hảo của Acecook trên kệ một siêu thị tại Hà Nội. Ảnh: Minh Sơn |
Sức ép cạnh tranh khốc liệt này cộng với xu thế bão hòa trong tiêu thụ mỳ gói cũng buộc Acecook Việt Nam phải thay đổi bài toán chiến lược để có thể giữ vững và gia tăng thị phần. Nhà sản xuất này tung ra hàng loạt sản phẩm mới, với hàng chục nhãn hàng khác nhau. Trong đó, trọng tâm hiện tại là tập trung vào các sản phẩm mỳ ly, với dòng sản phẩm mới nhất vừa tung ra thị trường dành cho những người chơi thể thao. Dù vậy, cái bóng của "Hảo hảo" vẫn là quá lớn.
Bám đuổi phía sau Acecook là Masan và nhóm công ty liên quan tới Thực phẩm Á Châu (Asia Food).
Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer, UPCoM:MCH) là đầu mối phụ trách mảng thực phẩm, đồ uống của Masan. Nhà sản xuất này không thiếu kinh nghiệm khi sở hữu một loạt những thương hiệu gia vị, nước chấm dẫn đầu. Bằng chiến lược truyền thông với quy mô lớn, đẩy mạnh quảng cáo phủ khắp thị trường, những thương hiệu chính trong ngành hàng mỳ ăn liền của Masan cũng nhanh chóng chiếm một ghế trong top dẫn dầu.
Masan Consumer không công bố số liệu chi tiết về từng nhóm sản phẩm, tuy nhiên báo cáo thường niên năm 2021 cho biết, doanh nghiệp này có 5 thương hiệu đạt doanh thu trên 2.000 tỷ đồng, trong đó có 2 thương hiệu là mỳ ăn liền.
"Trong thị trường mà giá cả là nhân tố chi phối hành vi tiêu dùng, chúng tôi tự hào khi có thể chuyển đổi các sản phẩm trước đây vốn được xem là hàng hoá thông thường, thành những thương hiệu mạnh",lãnh đạo Masan Consumer viết trong báo cáo thường niên gửi cổ đông. Đơn vị này cũng tuyên bố đã chiếm vị trí số một trong phân khúc cao cấp của ngành hàng mỳ ăn liền.
Khác với Masan, nhóm Asia Food hướng tới phân khúc bình dân, trung thành với một thương hiệu, nhưng cũng gặt hái thành công không kém.
Thành lập vào năm 1990, tiền thân của Asia Food là một nhà máy có tên ViFood tại Gò Vấp, TP HCM. Đến nay, sau hơn ba thập kỷ, nhà sản xuất này trở thành một trong những cái tên dẫn đầu ngành hàng mỳ ăn liền, với bốn nhà máy trải dài từ Bắc vào Nam. Trong khi CTCP Thực phẩm Á Châu (Asia Foods) là pháp nhân chính, hệ sinh thái của doanh nghiệp này còn ba doanh nghiệp khác phụ trách từng khu vực.
Tổng quy mô doanh thu của nhóm này đạt trên 5.000 tỷ đồng mỗi năm trong giai đoạn 2017-2021. Tuy nhiên, so với mức biên lợi nhuận gộp trung bình trên 30% của những đối thủ, con số này với Asia Foods có phần khiêm tốn hơn. Trong đó, Công ty Thực phẩm Á Châu Đà Nẵng có nhiều năm ghi nhận biên lãi gộp chỉ ở mức một con số.
Dù vậy, mức lợi nhuận của nhà sản xuất này và các công ty vệ tinh cũng không kém những nhà sản xuất khác trong top đầu. Riêng công ty mẹ Asia Foods duy trì con số lãi ròng nghìn tỷ đồng trong 5 năm gần đây, các công ty vệ tinh khác như Thực phẩm Á Châu III hay Asia Foods Bắc Ninh đều đạt ngưỡng vài trăm tỷ đồng.
Khác với những đối thủ liên tục mở rộng số lượng thương hiệu, chiến lược của Asia Foods là tập trung chính vào "Gấu Đỏ", với phổ sản phẩm xoay quanh thương hiệu này. Nhờ chiến lược giá ở phân khúc bình dân, Gấu Đỏ nhiều thời điểm nằm trong nhóm dẫn đầu về thương hiệu thực phẩm được người tiêu dùng tại khu vực nông thôn lựa chọn, theo khảo sát của Kantar Worldpanel.
Cũng trong nhóm dẫn đầu còn có cái tên khác là Uniben. Tiền thân là Công ty TNHH Công Nghiệp Thực Phẩm Việt Hưng được thành lập năm 1992, ban đầu chủ yếu là sản xuất mỳ gói để xuất khẩu sang thị trường Nga và châu Âu. Đến năm 2005, nhà sản xuất này mới bắt đầu đẩy mạnh thị trường trong nước khi ra mắt thương hiệu "3 Miền".
Cũng như Masan với chiến lược chia thị trường, Uniben xác định "3 miền" thuộc phân khúc bình dân và sau đó ra mắt thương hiệu Reeva để tiến vào phân khúc cao cấp. Nhà sản xuất này tiếp tục mở rộng quy mô khi lấn sân sang mảng nước chấm, đồ uống.
Nhờ việc liên tục mở rộng quy mô ngành hàng, doanh thu của Uniben giữ tốc độ tăng trưởng liên tục trong 5 năm gần đây. Năm 2021, doanh thu của nhà sản xuất này đạt hơn 3.400 tỷ đồng, tăng hơn 12% so với năm 2020. Biên lợi nhuận gộp của Uniben có xu hướng thu hẹp dần khi mở rộng nhiều ngành hàng mới, nhưng vẫn đạt gần 30% trong năm gần nhất.
Những con số doanh thu hàng nghìn, chục nghìn tỷ đồng cho thấy một phần bức tranh chung. Mỳ ăn liền, theo dự báo của các tổ chức nghiên cứu thị trường, sẽ vẫn tiếp tục là một miếng bánh hấp dẫn với những nhà sản xuất. Tuy nhiên, sức nóng cạnh tranh được dự báo khốc liệt hơn, khi thu nhập người dân tăng lên, sự thay đổi của thị hiếu, cùng sự tham gia mạnh mẽ của những thương hiệu lớn nước ngoài.
Trong một thị trường mà sự lựa chọn thay thế dễ dàng, khả năng sao chép các sản phẩm không quá phức tạp, sự thống trị của từng ông lớn tại mỗi phân khúc sẽ phải đối mặt với sức ép lớn. Những "ông lớn" của ngành hàng này như Acecook, Masan hay Asia Foods có thể sẽ vẫn duy trì được những vị thế dẫn đầu trong thời gian tới, nhưng câu chuyện dài hạn lại là một vấn đề khác.
Chưa kể, sức nóng trong phân khúc cao cấp với sự xâm nhập nhanh hơn của các thương hiệu Hàn Quốc cũng đang là một ẩn số.