taichinhthuonghieu11.200

Những mô hình tương tự VMI của ông Phạm Nhật Vượng

Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup (HoSE: VIC) vừa góp hơn 243 triệu cổ phiếu VIC để thành lập CTCP Quản lý và Đầu tư Bất động sản VMI. Tính theo thị giá trung bình 50 phiên của cổ phiếu VIC, giá trị góp vốn của ông Vượng khoảng 16.200 tỷ đồng, tương ứng VMI có vốn điều lệ 18.000 tỷ đồng. Mức vốn điều lệ này chỉ thấp hơn một số doanh nghiệp bất động sản trên sàn như Vinhmes (43.544 tỷ đồng), Novaland (19.482 tỷ đồng)…

Về cơ cấu cổ đông, vị tỷ phú đô la nắm 90% vốn, Vinhomes và bà Phạm Thu Hương, Phó Chủ tịch Vingroup đồng thời là vợ ông Vượng cùng nắm 5%. Ngược lại, VMI trở thành cổ đông lớn của Vingroup với tỷ lệ sở hữu hơn 6,3%.

Theo thông tin từ VMI, công ty sẽ đầu tư một số lượng nhất định các bất động sản (BĐS) sẵn có hoặc hình thành trong tương lai của Vinhomes. Giá trị một căn nhà phố hoặc biệt thự sẽ được chia ra 50 phần, mỗi phần người mua có thể đầu tư số vốn từ 120 triệu đồng dưới hình thức góp vốn kinh doanh. Sau thời gian 1 – 5 năm, hợp đồng sẽ được thanh lý cho người mua tiếp theo. Lợi nhuận được đảm bảo ở mức tối thiểu 7,5%/năm. Các nhà đầu tư hợp tác với VMI sẽ được công ty chứng nhận quyền tài sản và được phân chia lợi nhuận phát sinh từ quyền tài sản này tương ứng với tỷ lệ đầu tư.

Để vận hành hoạt động đầu tư này, VMI sẽ xây dựng và tổ chức nền tảng thông tin BĐS trực tuyến. Nền tảng này sẽ hỗ trợ nhà đầu tư tìm kiếm thông tin, trao đổi, tìm kiếm các nhà đầu tư khác và các thông tin tư vấn liên quan cũng như cách thức thực hiện giao dịch chuyển nhượng quyền tài sản dựa trên sự xác nhận của VMI.

Mô hình hoạt động của VMI giống như một hình thức mua chung BĐS, tức là chia nhỏ giá trị BĐS thành nhiều phần, mỗi nhà đầu tư có thể góp vốn từ vài triệu, vài chục triệu hoặc vài trăm triệu đồng. Người góp vốn sẽ nhận được các chứng chỉ đầu tư ngay trên ứng dụng, có thể nắm giữ đến khi đáo hạn để nhận lại vốn và lãi theo tỷ suất lợi nhuận đã được cam kết ban đầu. Mặt khác, nhà đầu tư có thể sang nhượng lại các chứng chỉ đầu tư mình đang sở hữu cho các nhà đầu tư khác, cũng thông qua ứng dụng ban đầu.

-6450-1665049776.jpg

Nhiều nền tảng “mua chung” bất động sản đã xuất hiện trên thị trường. Ảnh: Houze

Trước VMI, thị trường đã có nhiều mô hình công ty cung cấp hoạt động đầu tư mua chung BĐS trên nền tảng trực tuyến. Trên thế giới, một số công ty đã vận hành mô hình này như Fundrise, DomaCom, CoVESTA, Property Share. Còn Việt Nam có Houze Invest, Infina, Moonka, Sunshine Finance….

Infina, một nền tảng có cung cấp các sản phẩm mua chung BĐS như nhà ở, chung cư… Mới đây, nền tảng này huy động được 2 triệu USD từ nhóm các nhà đầu tư Saison Capital, Venturra Discovery, 1982 Ventures, 500 Startups, Nextrans. Infina cho phép góp vốn mua chung BĐS tối thiểu từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng, lợi nhuận cam kết có thể 6  – 9%/năm và cam kết mua lại BĐS bất cứ lúc nào trong 2 năm đầu tư đầu tiên.

KSFinance – thành viên của Sunshine Group cũng từng triển khai mô hình mua chung BĐS của Sunshine Homes. Theo đó, với số vốn từ 1 triệu đồng, nhà đầu tư có thể đầu tư các dự án bất động sản hạng sang đến siêu sang của Sunshine Homes. Lợi suất đầu tư cam kết 11%/năm.

Moonka cũng triển khai hoạt động mua chung trên nền tảng công nghệ mã hóa. Mỗi BĐS có thể được chia thành 100 phần hoặc 1.000 phần hoặc nhiều phần hơn nữa tùy thuộc vào giá trị hoặc loại hình. Công ty này đã gọi vốn thành công cho 3 dự án bất động sản tại Cần Giờ (TP HCM) và Bảo Lộc (Lâm Đồng). Mỗi dự án đều có thời gian đầu tư khoảng 6 tháng với mức lợi nhuận kỳ vọng 15 – 18%, kêu gọi được khoảng 20 – 30 nhà đầu tư. Moonka đã chia nhỏ ra 1.000 phần đầu tư cho một dự án với giá vài triệu đồng/phần.

Theo danh mục sắp mở bán, Moonka hướng đến nhiều sản phẩm bất động sản như căn hộ, đất nền… và dự kiến đều chia nhỏ khoảng 1.000 phần đầu tư cho một BĐS.

Houze Invest thuộc Houze Group cung cấp giải pháp đầu tư BĐS với số vốn nhỏ, cam kết lợi nhuận đầu tư khoảng 10 – 11%/năm. Vừa qua, nền tảng này nhận được khoản đầu tư 2 triệu USD từ DKRA Group.

Cuối năm 2021, Houze Invest có huy động thử nghiệm dòng vốn 3,7 tỷ đồng, tương đương 65% giá trị của 3 căn hộ cao cấp (tổng giá tài sản 5,6 tỷ đồng) tại Bình Dương. Theo đó, một BĐS chia thành 3.700 phần, tương đương một triệu đồng/phần.

Sau khoản huy động thử nghiệm đầu tiên, đến hết tháng 9 năm nay, Houze Invest có trên 600 nhà đầu tư với tổng giá trị huy động thành công hơn 21 tỷ đồng.

Các nhà đầu tư sẽ giao dịch ra sao trên các nền tảng này là câu hỏi được quan tâm. Với Moonka, sau khi gọi vốn thành công, các nhà đầu tư sẽ quyết định lựa chọn người đại diện tiến hành các thủ tục chuyển nhượng BĐS theo quy định pháp luật, đứng tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Moonka sẽ đề cử và kiểm soát tổ chức/cá nhân đại diện nhóm nhà đầu tư mua chung đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng bất động sản.

Theo Moonka, người đại diện có lý lịch, nhân thân tốt, được Moonka thẩm định, lựa chọn, xác minh và chịu sự giám sát. Đồng thời, người đại diện phải thực hiện đúng các thỏa thuận, nghĩa vụ trong hợp đồng góp vốn cùng mua bất động sản, ký các cam kết riêng với Moonka và chịu sự chế tài do Moonka quy định nếu tự ý chuyển nhượng, định đoạt BĐS đang đứng đại diện. Ngoài ra, Moonka đang tìm các đối tác hoặc ngân hàng hoặc đơn vị nhận kí gửi đáng tin cậy làm trung gian giữ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các giấy tờ pháp lý khác.

Với Houze Invest, nhà đầu tư sẽ sở hữu những phần đầu tư của họ thông qua hợp đồng đã ký kết với chủ sản phẩm đầu tư. Họ có quyền chuyển nhượng phần đầu tư cho người có nhu cầu mua lại trên sàn thứ cấp của Houze Invest. Ngoài ra, Houze Invest cũng cho phép các nhà đầu tư cùng mua một sản phẩm có thể biểu quyết việc bán hoặc duy trì đầu tư sản phẩm đó.

Trao đổi với Thanh Niên, luật sư Phạm Hoài Nam, Giám đốc hãng luật Giải Phóng cho biết đến thời điểm hiện tại chưa có văn bản pháp lý cụ thể nào để điều chỉnh trực tiếp đối với hoạt động đầu tư này. Tuy nhiên, về nguyên tắc, mọi người được phép làm những gì pháp luật không cấm. Trên cơ sở quy định của Bộ luật Dân sự 2015, các quy định của Luật Đầu tư 2020 được sửa đổi bổ sung, quy định của Luật Xây dựng 2020, quy định của Luật Kinh doanh BĐS, Luật Giao dịch điện tử 2005 sẽ là một trong những cơ sở pháp lý để điều chỉnh, xử lý đối với các mô hình đầu tư.

Khổng Chiêm

In bài viết
img2300x243img1300x250
BÀI VIẾT MỚI CẬP NHẬT
Kết nối với chúng tôi

Taichinhthuonghieu.com

Cập nhật thông tin về tài chính thương hiệu.

Ghi rõ nguồn :Taichinhthuonghieu.com khi phát hành lại thông tin từ website này

 


.