Sáng 10/5, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM phối hợp với UBND quận Gò Vấp, Bình Thạnh và các đơn vị liên quan tổ chức lễ khởi công dự án Nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm, đoạn từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật.
Công trình nhằm chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) và 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025).

Đại biểu thực hiện nghi thức khởi công dự án
Ông Đậu An Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP HCM, cho biết, Rạch Xuyên Tâm đã gắn bó với nhiều thế hệ người dân các quận Bình Thạnh, Gò Vấp. Nhưng suốt nhiều năm qua, dòng kênh này đã xuống cấp nghiêm trọng, ô nhiễm, rác thải, nước đọng, gây ngập úng, mất vệ sinh và ảnh hưởng lớn đến đời sống của bà con hai bên bờ. Việc cải tạo rạch Xuyên Tâm được người dân mong chờ suốt nhiều năm qua, bởi sẽ giúp giảm tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng.
Theo ông Phúc, tuyến rạch được cải tạo với nhiều hạng mục lớn như nạo vét, kết hợp với hệ thống thoát nước, đường ven kênh, công viên… sẽ không chỉ cải thiện môi trường, còn mở ra không gian công cộng cho khu vực.
Tuyến rạch Xuyên Tâm có tổng chiều dài gần 9 km, chạy từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật, đi qua quận Bình Thạnh và Gò Vấp. Trong đó, tuyến chính dài hơn 6,6 km, các tuyến nhánh gồm Cầu Sơn, Bình Lợi và Bình Triệu có tổng chiều dài hơn 2,2 km.
Ông Ngô Thành Tuấn – Phó Bí thư Đảng ủy UBND TPHCM cho biết, "TPHCM đang từng bước xây dựng đô thị hiện đại, xanh, sạch, đáng sống. Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm là một bước đi cụ thể, thể hiện cam kết hành động của chính quyền đối với nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Tôi tin tưởng rằng, với sự quyết tâm của các đơn vị, sự phối hợp của các cấp, và sự đồng thuận của nhân dân, chúng ta sẽ hoàn thành dự án đúng kế hoạch, đạt chất lượng cao, và sớm đem lại diện mạo mới cho khu vực này".
Đại diện UBND TP yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan và chính quyền địa phương xác định rõ trách nhiệm, phối hợp đồng bộ trong quá trình triển khai, đảm bảo tiến độ thi công theo đúng cam kết, không để xảy ra chậm trễ; đảm bảo chất lượng công trình ở mức cao nhất với các hạng mục thực hiện đúng quy chuẩn, thiết kế; và thi công phải đi đôi với bảo vệ môi trường, an toàn và ổn định đời sống người dân.
Theo Ban Hạ tầng đô thị TPHCM, dự án rạch Xuyên Tâm bao gồm các hạng mục: xây dựng kè bảo vệ bờ bằng bê tông cốt thép, nạo vét lòng rạch với độ sâu 3,5m, xây dựng hệ thống thoát nước mưa và nước thải, đường giao thông hai bên rạch với quy mô 2 làn xe mỗi bên, công viên, mảng xanh, chiếu sáng và hào kỹ thuật. Tổng mức đầu tư lên đến hơn 17.229 tỷ đồng từ ngân sách thành phố, thực hiện trong giai đoạn 2023 - 2028.
Dự án có tổng cộng 2.215 trường hợp bị ảnh hưởng bởi giải phóng mặt bằng, trong đó quận Gò Vấp có 138 trường hợp và quận Bình Thạnh là 2.077 trường hợp.
Hiện nay, gói thầu xây lắp XL-03 (dài 1,3 km từ đường Lương Ngọc Quyến đến sông Vàm Thuật) đã hoàn thành lựa chọn nhà thầu và chính thức khởi công. Trên địa bàn quận Gò Vấp, đến nay đã chi trả bồi thường cho 99/138 trường hợp (đạt 71,7%), bàn giao mặt bằng 87/138 trường hợp (đạt 63%) với chiều dài tuyến đã bàn giao đạt 1.100/1.300m. UBND quận Gò Vấp cam kết hoàn tất phần còn lại trong quý II/2025.
Tại quận Bình Thạnh, phần tuyến thuộc gói thầu XL-03 đã được bàn giao 1.140/1.300m (đạt 87,7%). Chính quyền địa phương đang đẩy nhanh tiến độ bồi thường, chi trả và bàn giao 160m còn lại để thi công đúng kế hoạch trong quý II/2025.
Đối với hai gói thầu XL-01 và XL-02, nằm hoàn toàn trên địa bàn quận Bình Thạnh, chủ đầu tư đang phối hợp cùng các sở, ngành để hoàn tất thủ tục phê duyệt thiết kế thi công và lựa chọn nhà thầu, dự kiến triển khai trước ngày 2/9/2025. Về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đến nay UBND quận Bình Thạnh đã tiếp xúc 1.660/2.077 trường hợp, nhận được sự đồng thuận từ 510 trường hợp. Đã có 374 trường hợp được chi trả (đạt 18%), tổng kinh phí hơn 867 tỷ đồng.

Phối cảnh rạch Xuyên Tâm trong tương lai
Khi hoàn thành, dự án không chỉ giải quyết vấn đề thoát nước, ô nhiễm, mà còn góp phần chỉnh trang đô thị, kết nối hạ tầng kỹ thuật dọc tuyến và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực. Đây cũng là bước tiến trong chiến lược xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh, hiện đại và phát triển bền vững.
KIM LAN