Kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với rất nhiều rủi ro từ căng thẳng giữa Nga - Ukraina và dịch bệnh bùng phát tại Trung Quốc. Hiện giá hàng hóa, đặc biệt là lương thực, năng lượng bị đẩy lên cao tạo nên áp lực lạm phát rất lớn. Trong guồng quay đó, Việt Nam đang có nhiều giải pháp để giải tỏa áp lực này.
Theo Laodong.vn
Lạm phát nhìn từ bữa cơm của người Việt
Cuộc xung đột Nga - Ukraina tác động đến mọi lĩnh vực, trong đó có ngành chăn nuôi. Giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh thời gian qua đã đẩy giá thịt lợn và nhiều loại thực phẩm tăng cao. Áp lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm 2022 và năm 2023 là rất lớn, người dân dường như đã cảm nhận được sự tăng giá len lỏi vào bữa cơm gia đình.
Chị Bùi Thị Quyên, xã Đú Sáng, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình chia sẻ: "Tôi sinh sống ở vùng sâu vùng xa nên không được đọc nhiều thông tin thế giới nhưng thời gian qua giá cả hàng hóa khu vực tôi sinh sống đã tăng rất cao, nhất là giá thịt lợn. Nếu như trước Tết giá 1kg thịt lợn chỉ khoảng 100.000 đồng thì đến nay đã tăng lên 140.000 đồng. Sinh sống ở nông thôn, chúng tôi có thể tự trồng lúa, trồng rau nhưng thịt lợn vẫn phải đi mua. Giá thịt lợn cao nên một tuần cả gia đình chỉ dám ăn thịt vào 2 bữa cuối tuần”.
Anh Lê Xuân Thái ở Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ, anh vốn làm công nhân xây dựng thu nhập rất thấp nên thỉnh thoảng chạy thêm xe ôm kiếm sống. Thế nhưng giá xăng vừa rồi có thời điểm lên rất cao, chạy xe chẳng bù được tiền xăng. Hơn 2 tháng nay anh đành bỏ hẳn việc chạy xe. Cũng theo anh Thái, vợ chồng anh có 2 con nhỏ nên cuộc sống vốn đã khó khăn nay thu nhập giảm, trong khi giá sinh hoạt lại còn tăng cao khiến gia đình vô cùng chật vật.
Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, bình quân 7 tháng năm 2022, CPI tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,44%, điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.
Điểm qua những mặt hàng tiêu dùng chính trong từng bữa ăn của các gia đình đều tăng giá. Cụ thể, giá thịt lợn tăng 4,29% so với tháng 6, trứng gà tăng từ 28.000 đồng lên 38.000 đồng/chục; giá gà lông trắng từ 35.000 đồng/kg lên 38.500 đồng/kg, vịt từ 38.000 đồng lên 40.000 - 41.000 đồng/kg…
Chú trọng “rót” vốn và kiểm soát giá tiêu dùng
Nhận định về tình hình lạm phát của Việt Nam thời gian tới, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương - cho biết, hiện nay, căng thẳng Nga - Ukraina chưa rõ thời điểm kết thúc, hơn nữa Trung Quốc đang siết chặt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 khiến nhiều nước bị ảnh hưởng lạm phát.
Một số quốc gia đang rơi vào khủng hoảng, tiêu biểu như chỉ số lạm phát của Mỹ trong tháng 7 là 8,5%, còn chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Anh trong tháng 7 vừa qua đã tăng lên 10,1%, cá biệt chỉ số CPI tại Argentina đã tăng 46,2% kể từ đầu năm. Trước áp lực này, mục tiêu kìm chế lạm phát năm 2022 dưới mức 4% của Việt Nam trong năm 2022 khó mà đạt được.
Để kìm chế lạm phát, tiến sĩ Lê Đăng Doanh đưa ra giải pháp, thời gian tới Việt Nam cần chú trọng vào việc khôi phục kinh tế thông qua việc hỗ trợ rót vốn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, giải pháp này cần thực hiện hết sức thận trọng, có tiêu chí cụ thể, minh bạch tránh việc cho vay vốn tràn lan dẫn đến khủng hoảng như năm 2008.
Còn PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện tài Chính) cho rằng, để có thể giữ lạm phát ở mức dưới 4%, Việt Nam phải đẩy mạnh phòng ngừa biến chủng mới của dịch COVID-19 cũng như một số dịch bệnh mới xuất hiện gần đây. Đây là tiền đề tốt cho ổn định sản xuất, ổn định thị trường, bình ổn giá cả các mặt hàng.
Đồng thời Chính phủ phải tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phục hồi và phát triển bền vững của nền kinh tế.
Đặc biệt, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, thời gian qua giá xăng dầu đã hạ nhiệt nhưng giá cả hàng hóa đến nay vẫn chưa giảm là “có vấn đề”. Lạm phát từ nay đến cuối năm vẫn không đáng lo ngại, tuy nhiên, chính tâm lý nhìn trước ngó sau của doanh nghiệp trong quyết định hạ giá hàng hóa, dịch vụ vận tải nói chung… đẩy tâm lý lo ngại lạm phát, lo ngại giá hàng hóa sẽ tăng hoặc neo mức cao “bền bỉ”.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh, đã đến lúc cơ quan quản lý giá cả phải vào cuộc một cách mạnh mẽ hơn. Rà soát, đánh giá lại tác động giá nguyên vật liệu tăng trong thời gian qua, giá bán tăng thế nào. Trước mắt tập trung xem xét những mặt hàng nhu yếu phẩm như cá, thịt, trứng, rau quả, chai dầu ăn, chai nước mắm… vẫn giữ mức giá cũ liệu có hợp lý không? Tất cả phải được so sánh, đánh giá lại để có nhận định khách quan, hợp lý và công bằng với người tiêu dùng.
Taichinhthuonghieu.com
Cập nhật thông tin về tài chính thương hiệu.
Ghi rõ nguồn :Taichinhthuonghieu.com khi phát hành lại thông tin từ website này
.