Doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng và phát huy các lợi thế để tăng trưởng bền vững trong giai đoạn nhiều khó khăn, thách thức hiện nay.
Theo Laodong.vn
Doanh nghiệp khó khăn do nhiều tác động bất lợi
Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng, mặc dù bước sang quý III/2022, nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ, xếp hạng tín nhiệm dài hạn của Việt Nam ở mức "ổn định" và "tích cực". Đặc biệt, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, GDP tăng 7,72% trong quý II, các cân đối lớn được bảo đảm... tạo đà cho hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi nhanh. Tuy nhiên, khảo sát Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của VCCI cũng cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp gặp không ít khó khăn.
Cụ thể, có tới 92% doanh nghiệp cho biết bị tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19. Hầu hết doanh nghiệp phải đương đầu với các vấn đề do dịch bệnh gây ra như khó tiếp cận khách hàng (60%), thiếu hụt nhân công (53%), mất cân đối dòng tiền (52%), đứt gãy chuỗi cung ứng (52%)…
Tác động của dịch COVID-19, khó khăn trong kinh doanh khiến các doanh nghiệp thận trọng, dè dặt hơn khi xây dựng kế hoạch hoạt động. Đây là một trong những yếu tố tác động, ảnh hưởng không nhỏ tới năng lực phát triển và cạnh tranh của doanh nghiệp.
Bà Hà Thu Thanh - Phó Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững - cũng cho rằng, biến đổi khí hậu tác động tiêu cực đến năng suất sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, làm giảm đà tăng trưởng kinh tế.
Hướng tới tăng trưởng xanh, tận dụng các lợi thế do các FTA mang lại
Mới đây, tại diễn đàn "Giải pháp đột phá nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững" tổ chức chiều 19.8, PGS Trần Phương Trà - Giám đốc Mạng lưới chính sách kinh tế EPNet, AVSE Global - nhấn mạnh: Tăng trưởng xanh là xu hướng. Việt Nam cũng đưa ra chiến lược tăng trưởng xanh và chuyển đổi số là công cụ để phát triển. Vì vậy, các doanh nghiệp cần có khả năng đổi mới sáng tạo mạnh mẽ để bảo đảm thích ứng với sự biến đổi hiện tại. Trong quá trình chuyển đổi, doanh nghiệp cần tập trung vào việc tạo ra những giá trị khác biệt.
Đề cập đến giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, bà Hà Thu Thanh cho rằng, nếu chung tay hành động ngay bây giờ, có thể đưa mức phát thải ròng về không, giảm bớt tổn thương do biến đổi khí hậu và vai trò của các doanh nghiệp rất lớn, cần sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp Việt Nam cần đưa ra chiến lược, chính sách và đồng hành định hình vai trò, trách nhiệm giám sát các chỉ số môi trường, xã hội và quản trị (ESG) trong Hội đồng quản trị; đánh giá cấu trúc quản trị ESG, tích hợp các vấn đề ESG vào chiến lược công ty tới giám sát và thực hiện công bố thông tin tới các bên liên quan một cách minh bạch và đầy đủ.
Cũng theo ông Hoàng Quang Phòng, Chính phủ đang hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025 nhằm xây dựng doanh nghiệp Việt Nam mạnh cả về số lượng và chất lượng, trở thành lực lượng quan trọng đảm bảo tính tự chủ của nền kinh tế.
"Bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ, mỗi doanh nhân, doanh nghiệp cần sẵn sàng đối mặt với những thách thức, chủ động nắm bắt, chắt chiu từng cơ hội đổi mới và sáng tạo, có phương án đón đầu xu hướng kinh doanh mới, xây dựng uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường khu vực và quốc tế" - ông Hoàng Quang Phòng nói.
Về giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong mở rộng và khai thác thị trường quốc tế, ông Trịnh Minh Anh - Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế (Bộ Công Thương) - thông tin: Thời gian qua, đã có nhiều doanh nghiệp tận dụng được lợi ích từ các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, hàng năm, đã có hơn 1 triệu bộ chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi được cấp, với trị giá khoảng 61,19 tỉ USD, tăng khoảng 15% về trị giá, tăng 10% về số lượng bộ C/O hàng năm.
Ông Nguyễn Hải Minh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) - cũng nhấn mạnh, hiện Châu Âu là thị trường lớn, nhiều tiềm năng. Tham gia chuỗi cung ứng và bán hàng cho doanh nghiệp Châu Âu cũng là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam.
Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp Châu Âu đều mong muốn xuất khẩu sang thị trường Việt Nam nhiều hơn, qua đó tiếp cận với thị trường ASEAN và cả Châu Á.
Taichinhthuonghieu.com
Cập nhật thông tin về tài chính thương hiệu.
Ghi rõ nguồn :Taichinhthuonghieu.com khi phát hành lại thông tin từ website này
.